Tuesday, February 19, 2008

Alexandre Dumas - Ba người lính ngự lâm - Chương 33

Alexandre Dumas

Ba người lính ngự lâm

Chương 33


Trong khi đó, mặc dầu những tiếng kêu thét của lương tâm và những lời khuyên chín chắn của Athos, D Artagnan mỗi lúc càng trở nên si mê Milady hơn. Cho nên chả bỏ lỡ ngày nào không đến ve vãn. Chàng Gascogne ưa mạo hiểm tin chắc sớm muộn gì nàng cũng không thể không đền đáp lại.
Một buổi tối chàng đến, mặt vênh lên, phơi phới như một người đang đợi một cơn mưa vàng, thì gặp cô hầu gái ở dưôi cửa xe, nhưng lần này nàng Ketty xinh đẹp không chịu chỉ chạm vào người chàng khi đi qua mà còn nhẹ nhàng nắm hẳn lấy tay chàng.
"Tốt! - D Artagnan tự nhủ - cô gái này chắc được nữ chủ nhân giao việc nhắn tin gì đó cho ta đây, chắc sắp ấn định một cuộc hẹn nào đó cho ta nên mới không dám nói to chứ gì".
Và chàng nhìn cô bé xinh đẹp với vẻ đắc thắng tột bậc.
Cô hầu gái ấp úng:
- Thưa ông hiệp sĩ, em muốn nói với ông đôi lời.
- Nói đi, em gái, nói đi, ta nghe đây.
- Ở đây không được, điều em muốn nói với ông, dài dòng lắm và nhất là bí mật lắm.
- Ồ, thế thì phải làm thế nào đây?
- Nếu như ông hiệp sĩ đi theo em được - Ketty dụt dè nói.
- Em muốn đi đâu cũng được, em gái xinh đẹp của ta ạ.
- Thế thì, theo em.
Và Ketty không rời bàn tay D Artagnan lôi chàng đi qua một cầu thang nhỏ tối, và ngoắt ngoéo, và sau khi leo lên mười lăm bậc, mở cửa ra và nói:
- Vào đây, ông hiệp sĩ, ở đây chỉ có mỗi mình chúng ta, và ta có thể chuyện trò.
- Nhưng đây là cái phòng nào, cô em xinh đẹp? - D Artagnan hỏi.
Phòng của em, ông hiệp sĩ ạ. Nó ăn thông với phòng bà chủ bằng chiếc cửa này. Nhưng ông yên tâm, bà ấy sẽ không thể nghe được những gì chúng ta nói đâu. Bao giờ cũng đến nửa đêm bà ấy mới đi ngủ.
D Artagnan đưa mắt nhìn xung quanh mình. Căn phòng nhỏ này thật duyên dáng về mặt thẩm mỹ và sạch sẽ, nhưng mặc dầu vậy mắt chàng vẫn gắn vào chiếc cửa mà Ketty bảo dẫn sang phòng Milady.
Ketty đã đoán được điều gì đang diễn ra trong tâm trí chàng trai và buông một tiếng thở dài:
- Ông hiệp sĩ, chắc là ông yêu bà chủ em lắm nhỉ?
- Ồ, còn hơn cả những gì ta có thể nói ra. Ketty ạ, ta yêu phát điên!
Ketty lại buông thêm một tiếng thở dài:
- Than ôi! Thưa ông, thật đáng tiếc!
- Em thấy rất đáng tiếc là cái quái gì vậy? - D Artagnan hỏi.
- Là vì, thưa ông - Ketty láy lại - bà chủ em chẳng hề yêu ông chút nào.
- Hả? - D Artagnan nói - em được bảo nói với ta như thế hay sao?
- Ồ không đâu, thưa ông! Nhưng là vì em quan tâm đến ông nên quyết định nói ra điều đó với ông.
- Cám ơn, em Ketty tốt bụng, nhưng chỉ là ý đồ thôi, bởi việc em tâm sự như vậy là không hay đâu.
- Có nghĩa là ông chẳng tin vào điều em vừa nói chút nào, phải thế không?
- Người ta luôn khó tin vào những điều như vậy, cô em xinh đẹp ạ, ngay cả vì tự ái.
- Tức là ông không tin em?
- Thú thực chỉ đến khi em chịu đưa ra cho tôi bằng chứng nào đấy.
- Ông nói sao về cái bằng chứng này?
Và Ketty rút từ ngực mình ra một bì thư.
- Cho tôi ư? - D Artagnan vừa nói vừa giật mạnh bức thư.
- Không, cho người khác.
- Cho người khác ư?
- Vâng.
- Tên hắn! Tên hắn! - D Artagnan kêu lên.
- Ông nhìn địa chỉ ấy.
"Bá tước De Wardes".
Kỷ niệm về cảnh tượng ở Saint-Germain hiện lên ngay tức thì trong óc chàng Gascogne tự phụ. Thoắt một cái chàng xé phăng bì thư, mặc cho Ketty kêu váng lên khi thấy chàng định xé hay đúng hơn chàng đang xé. Cô nói:
- Ôi chúa ơi! Ông hiệp sĩ, ông làm gì vậy?
- Tôi ư, làm gì đâu.
Nói rồi chàng đọc thư:
"Ông đã không trả lời bức thư đầu tiên của tôi. Ông vẫn còn đau ư, hay là ông có nhẽ quên ông đã nhìn tôi như thế nào trong buổi khiêu vũ ở nhà phu nhân De Ghidơ. Đây là cơ hội đấy Bá tước! Đừng để tuột mất".
D Artagnan tái người đi. Lòng tự ái của chàng đã bị tổn thương. Chàng tưởng như tình yêu của mình cũng bị tổn thương.
- Ông D Artagnan thân mến tội nghiệp! - Ketty nói bằng một giọng đầy cảm thông và lại nắm lấy tay chàng trai trẻ.
- Em thương tôi ư, em bé tốt bụng! - D Artagnan nói.
- Ồ, vâng, và bằng tất cả trái tim em! Bởi em biết tình yêu là thế nào.
- Em biết thế nào là tình yêu ư? - D Artagnan vừa nói vừa nhìn cô, lần đầu tiên chăm chú như thế.
- Ôi thật đấy!
- Thế thì, đáng lẽ thương xót tôi, tốt hơn em hãy giúp tôi trả thù bà chủ của em.
- Ông định trả thù kiểu nào đây?
- Tôi muốn chiếm được bà ta, nẫng tay trên địch thủ của ông.
- Em sẽ không bao giờ giúp ông việc ấy, ông hiệp sĩ ạ! - Ketty trả lời thẳng thừng.
- Tại sao lại thế? - D Artagnan hỏi.
- Vì hai lẽ.
- Những lẽ gì?
- Thứ nhất, chính vì không bao giờ bà chủ em yêu ông.
- Sao em biết?
- Ông đã làm tổn thương trái tim bà ấy.
- Ta ư? Ta có thể làm tổn thương ở chuyện gì, ta, từ khi quen biết nàng, đã chịu sống dưới chân nàng như một nô lệ! Em nói đi, ta van em đấy.
- Em sẽ không bao giờ nói ra với ai ngoại trừ người… đọc thấu tâm can em.
D Artagnan nhìn cô lần thứ hai. Người thiếu nữ đẹp và tươi tắn đến mức biết bao bà Quận chúa có nhẽ muốn đem cả danh phận của mình ra để mua lấy sắc đẹp đó.
- Ketty này - chàng nói - anh sẽ đọc thấu tận đáy lòng em khi nào em muốn. Có khó gì đâu, em bé bỏng thân mến?
Rồi chàng hôn cô một cái, và cô bé tội nghiệp đỏ bừng mặt lên như màu anh đào chín.
- Ồ không! - Ketty kêu lên - Ông không yêu em? Bà chủ em mới là người ông yêu, ông chẳng vừa bảo em như thế hay sao?
- Và điều đô ngăn em không cho tôi biết lẽ thứ hai ư?
- Lẽ thứ hai, thưa ông hiệp sĩ - Ketty lúc này đã trở nên mạnh dạn hơn trước hết vì nụ hôn, tiếp đó vì đôi mắt đưa đẩy của chàng trai trẻ - là trong tình yêu ai nấy đều vì mình.
Chỉ đến lúc đó D Artagnan mới nhớ lại cái nhìn rũ héo của Ketty, những lần gặp nhau ở tiền sảnh, trên cầu thang, trong hành lang, những cái cọ tay mỗi lần gặp chàng và những tiếng thở dài kìm nén của nàng. Nhưng vì còn đắm đuối bởi cái ham muốn làm đẹp lòng người đàn bà quyền quý, chàng đã xem thường cô hầu gái. Kẻ đi săn chim ưng, để ý gì đến chim chích.
Nhưng lần này, chàng Gascogne chỉ thoáng nhìn đã thấy có thể rút ra những lợi ích cho mình từ mối tình mà Ketty vừa thổ lộ rất ngây thơ hoặc rất táo tợn. Đó là chặn đứng những bức thư gửi cho Bá tước de Oátđơ, nắm được mọi tin tức xảy ra, và ra vào phòng của Ketty liền kề phòng bà chủ nàng bất cứ lúc nào.
Gã tráo trở này ngay trong ý nghĩ đã hy sinh cô gái đáng thương để đoạt cho kỳ được Milady dẫu nàng có muốn hay không.
- Được rồi! - D Artagnan nói với cô gái - Ketty thân mến của anh, em có muốn anh cho em một bằng chứng của tình yêu mà em còn ngờ vực không?
- Tình yêu nào? - Cô gái hỏi.
- Tình yêu mà anh sẵn sàng cảm nhận đối với em ấy.
- Thế bằng chứng là cái gì?
- Em có muốn tối nay anh ở bên em suốt cả thời gian mà anh vẫn thường cùng với bà chủ của em không?
- Ồ, vâng - Ketty vừa nói vừa vỗ tay - em xin sẵn sàng?
- Thế thì, em bé của anh ạ - D Artagnan vừa nói vừa ngồi vào chiếc ghế bành - Em hãy lại đây để anh nói với em rằng em là cô hầu gái xinh đẹp nhất anh chưa hề thấy bao giờ!
Và chàng nói đủ thứ và khéo đến mức cô bé tội nghiệp không mong gì hơn là có thể tin chàng và đã tin chàng… Tuy nhiên, D Artagnan cũng phải hết sức ngạc nhiên là cô gái Ketty xinh đẹp tự bảo vệ mình khá quyết liệt.
Thời gian trôi nhanh khi diễn ra thành chuyện tấn công và phòng thủ.
Nửa đêm đã điểm, và đồng thời chiếc chuông nhỏ trong phòng Milady cũng rung lên.
- Chết mất thôi! - Ketty kêu lên - Bà chủ gọi em đấy! Anh đi đi! Đi mau lên!
D Artagnan đứng lên, cầm mũ như có ý làm theo, rồi mở nhanh cửa chiếc tủ lớn thay vì mở cửa cầu thang, lẩn vào bên trong giữa đống váy áo của Milady.
- Anh làm cái gì vậy? - Ketty kêu lên.
D Artagnan đã cầm trước chìa khóa, tự nhốt mình vào trong tủ và không trả lời.
- Ơ hay? - Milady kêu lên. - Đã ngủ rồi hay sao mà ta rung chuông không thấy đến thế?
Và D Artagnan nghe thấy tiếng mở cửa thông sầm sầm.
- Em đây, thưa phu nhân, em đây mà! - Ketty vừa kêu lên vừa lao sang gặp bà chủ của mình.
Cả hai cùng trở về phòng ngủ và vì cửa thông vẫn mở, D Artagnan có thể nghe thêm tiếng Milady mắng cô gái hầu, rồi cuối cùng cũng dịu lại và câu chuyện chuyển sang chàng trong khi Ketty sửa soạn chăn gối cho chủ mình, Milady nói:
- Lạ thật? Tối nay ta không thấy anh chàng Gascogne của chúng ta?
- Sao ạ, thưa phu nhân - Ketty nói - Ông ta không đến ư! Chả nhẽ ông ta đã thay đổi trước khi được nếm mùi hạnh phúc?
- Ồ không? Chắc là bị ông De Treville hoặc ông des Essarts ngăn trở. Ta biết rõ mà, Ketty. Và ta đã nắm được gã đó.
- Bà chủ sẽ làm gì với ông ta?
- Ta sẽ làm gì ư?… Yên tâm, Ketty ạ, có một chuyện giữa người ấy và ta mà người ấy không biết… Hắn suýt làm ta mất tín nhiệm với Đức Giáo chủ… Ồ, ta sẽ trả thù!
- Em tưởng bà chủ yêu ông ta?
- Ta yêu hắn ư? Ta ghét hắn thì có. Một thằng ngố, hắn đã nắm trong tay mạng sống của Huân tước De Winter mà lại không giết làm ta mất toi ba trăm nghìn quan lợi tức thường niên!
- Đúng vậy - Ketty nói - Con trai bà chủ là người thừa kế duy nhất của chú ruột mình, bà chủ lẽ ra đã được hưởng tài sản đó cho đến khi cậu trưởng thành.
D Artagnan rùng mình đến tận xương tủy khi nghe cái sinh linh ngọt ngào đó quở trách mình bằng cái giọng the thé mà người đàn bà này thường phải rất khó khăn mới giấu nổi trong khi chuyện trò, là đã không giết một người tràn đầy tình thân thiết với mụ.
- Cho nên - Milady tiếp tục - Ta đã trả thù chính hắn rồi, nếu như không hiểu tại sao Giáo chủ lại dặn ta nương tay với hắn.
- Ồ, vâng, nhưng phu nhân đã không hề nương tay với người đàn bà mảnh mai mà ông ta yêu.
- Ồ, cái con mụ hàng xén ở phố Phu đào huyệt! Chẳng phải hắn đã quên nhắc mụ ta từng tồn tại sao? Một sự trả thù tuyệt đẹp, ta thề đấy?
Một lớp mồ hôi lạnh toát trên trán D Artagnan. Mụ đàn bà đúng là một con quỷ rồi.
Chàng lại tiếp tục lắng nghe. Nhưng không may việc sửa soạn giường ngủ đã xong.
- Tốt lắm - Milady nói - em về phòng mình đi và ngày mai cố gắng để có được thư trả lời bức thư ta đã đưa cho em.
- Cho ông De Wardes phải không ạ?
- Phải rồi, cho ông De Wardes.
- Đó là một con người - Ketty nói - em thấy có vẻ hoàn toàn trái ngược với cái ông D Artagnan tội nghiệp kia.
- Thôi ra đi, quý nương ạ - Milady - ta không thích những câu bình luận.
D Artagnan nghe thấy cửa đóng lại rồi tiếng hai chốt cửa, Milady cài lại để được một mình ở bên trong.
Về phần mình, Ketty hết sức nhẹ nhàng khóa một vòng chiếc cửa lại. Lúc đó, D Artagnan mới đẩy cửa tủ ra.
- Ôi Chúa ơi! - Ketty nói rất khẽ - Có chuyện gì vậy? Sao anh tái người đi thế?
- Một con mụ tởm lợm? - D Artagnan lẩm bẩm.
- Im nào! Im nào! Anh ra đi! - Ketty nói - Chỉ có mỗi một vách ngăn giữa phòng em và phòng bà Milady. Bên này nói gì là bên kia nghe thấy hết.
- Chính vì thế mà anh sẽ không ra đâu. D Artagnan nói.
- Sao cơ? - Ketty vừa nói vừa đỏ mặt lên.
- Hoặc ít nhất anh sẽ ra… muộn hơn.
Và chàng kéo Ketty lại với mình. Không còn cách nào để cưỡng lại. Cưỡng lại sẽ gây ra tiếng động! Thế là Ketty đành chịu vậy.
Đó là một hành động trả thù Milady. D Artagnan thấy người ta có lý khi nói rằng trả thù là niềm hoan lạc của các thiên thần. Vì vậy chỉ cần có một chút tấm lòng, D Artagnan sẽ hài lòng về cuộc chinh phục mới này, nhưng D Artagnan chỉ có tham vọng và sự kiêu ngạo.
- Tuy nhiên cũng phải khen chàng đã biết dùng ảnh hưởng của mình ể làm cái việc đầu tiên là cố sao biết được bà Bonacieux bây giờ ra sao. Nhưng cô gái tội nghiệp làm dấu thề rằng cô hoàn toàn không biết gì cả, bà chủ cô bao giờ cũng chỉ cho biết một nửa bí mật của bà thôi, nhưng cô đảm bảo bà Bonacieux không chết.
Còn lý do làm Milady mất tín nhiệm với Giáo chủ, Ketty cũng không biết gì hơn. Nhưng lần này, D Artagnan còn tiến xa hơn cô. Chàng đã bắt gặp Milady trên một con tàu bị hãm lúc chàng rời nước Anh và chàng ngờ rằng đó chính là vấn đề những nút kim cương.
Nhưng điều rõ ràng hơn cả trong mọi chuyện chính là mối căm hờn đích thực, căm hờn sâu xa, mối căm hờn không thể tránh khỏi của Milady đối với chàng là ở chỗ chàng đã không giết em chồng mụ.
Hôm sau, D Artagnan lại quay lại nhà Milady. Sắc mặt nàng trông rất dữ trợn, D Artagnan ngờ rằng không thấy thư trả lời của ông De Wardes nên nàng điên tiết, Ketty đi vào, nhưng Milady tiếp cô rất cứng rắn. Cô liếc nhìn D Artagnan như muốn nói: "Anh đã thấy em đau khổ vì anh thế nào chưa!"
Tuy nhiên, cuối buổi chuyện tối, con sư tử cái mỹ miều đã dịu bớt, nó vừa mỉm cười vừa nghe những mẩu chuyện ngọt ngào của D Artagnan, lại còn đưa cả tay cho chàng hôn.
D Artagnan ra về, không biết nghĩ thế nào nữa. Nhưng vì vẫn là một chàng trai, nên không dễ bị rối trí, vẫn vừa tán tỉnh Milady, vừa vạch trong đầu một kế hoạch riêng.
Chàng gặp Ketty ở cửa, và vẫn như đêm trước, chàng leo lên buồng cô. Ketty bị mắng rất ghê vì bị gán cho tội lơ đãng. Milady nào có hiểu gì về sự im lặng của Bá tước De Wardes đâu, nên đã ra lệnh cho cô chín giờ sáng đến phòng mình để đem bức thư thứ ba đi. D Artagnan bắt Ketty hứa sáng hôm sau phải mang đến cho chàng bức thư ấy. Cô gái tội nghiệp hứa tất cả những gì người tình của mình muốn. Cô đang yêu phát điên.
Mọi sự lại lặp lại như đêm trước. D Artagnan lại chui vào trong tủ. Milady gọi, sửa soạn đi nằm, đuổi Ketty ra vùng đóng cửa lại. Cũng như đêm trước, D Artagnan chỉ trở về nhà vào lúc năm giờ sáng.
Mười một giờ, chàng thấy Ketty đến. Cô cầm trong tay một bức thư mới của Milady. Lần này cô bé tội nghiệp chẳng buồn tranh cãi gì với D Artagnan, cô để mặc chàng làm gì thì làm. Cả tâm hồn lẫn thể xác cô đã thuộc về chàng lính đẹp trai của mình.
D Artagnan bóc thư và đọc:
"Thế là lần thử ba tôi viết cho ông để nói rằng tôi yêu ông. Hãy coi chừng đừng để tôi viết bức thư thứ tư cho ông để nói rằng tôi ghét ông.
Nêú như ông hối hận về cung cách ông đã xử sự với tôi, cô gái chuyển bức thư này cho ông sẽ nói cho ông biết một người đàn ông phong tình phải làm thế nào để được tha thứ".
Mặt D Artagnan lúc đỏ lên, lúc tái lại khi đọc thư.
- Ôi, anh vẫn yêu bà ta! - Ketty, không lúc nào rời mắt khỏi khuôn mặt chàng trai, nói.
- Không, Ketty, em nhầm rồi, anh không còn yêu mụ nữa. Nhưng anh muốn trả thù sự khinh thị của mụ đối với anh.
- Vâng, em biết anh muốn trả thù. Anh đã nói với em điều đó rồi.
- Thôi nào, Ketty! Em thừa biết anh chỉ yêu mỗi em thôi.
- Làm sao để biết được điều đó?
- Bằng việc anh khinh bỉ mụ ta.
Ketty thở dài.
D Artagnan cầm bút và viết:
"Thưa bà, cho đến tận lúc này tôi vẫn ngờ hai bức thư trước của bà chưa chắc đã phải gửi cho tôi. Vì chưa dám tin mình xứng với vinh dự ấy. Hơn nữa tôi vẫn còn đau lắm nên dẫu sao tôi vẫn ngần ngại trả lời bà.
Nhưng hôm nay, tôi hẳn phải tin bà đã quá tốt vì không những thư bà mà cả người thị nữ của bà đều khẳng định rằng tôi có diễm phúc được bà yêu.
Cô gái không cần phải bảo tôi một người đàn ông phong tình phải làm thể nào để có thể được tha thứ. Tối nay, lúc mười một giờ, tự tôi sẽ đến xin được tha thứ. Giờ đây, trong con mắt tôi, chậm một ngày thôi cũng là làm cho bà bị xúc phạm.
Kẻ được bà biến thành người sung sướng nhất trong những người đàn ông.
Bá tước De Wardes".
Bức thư đó trước hết là một bức thư giả mạo, sau đó là một sự thô bỉ, mà về mặt phong hóa hiện thời của chúng ta, là một cái gì đấy giống như một sự đê tiện, nhưng ở thời đó người ta dễ dãi hơn thời bây giờ. Hơn nữa D Artagnan biết rõ Milady qua những lời tự thú của nàng, đã phạm tội phản bội cả những thủ lĩnh quan trọng nhất, và chàng thật ra đâu có coi trọng nàng mấy. Và trong khi đó, mặc dầu chàng không mấy coi trọng nàng, chàng vẫn cảm thấy một sự đam mê đến mất trí người đàn bà đó thiêu đốt chàng. Một sự đam mê cuồng say, bất chấp.
Nhưng đam mê hay khát, nói sao cũng được.
Ý đồ của D Artagnan thật đơn giản: qua phòng của Ketty chàng sẽ sang phòng Milady. Chàng sẽ lợi dụng khoảnh khắc đầu tiên vừa sửng sốt vừa xấu hổ, vừa kinh hoàng để chinh phục nàng. Có thể chàng sẽ thất bại, nhưng cũng phải cầu may chứ. Tám ngày nữa là chiến dịch đã mở và chàng phải đi ra, D Artagnan không còn đủ thì giờ để theo đuổi một mối tình hoàn hảo. Chàng trao bức thư đã niêm phong cho Ketty và bảo:
- Em cầm lấy và đưa bức thư này cho Milady. Đây là thư trả lời của ông De Wardes.
Nàng Ketty đáng thương không biết trong thư viết gì, tái nhợt người đi như một người chết.
- Nghe đã nào, em bé thân yêu của anh - D Artagnan bảo cô - Em cũng hiểu mọi việc phải kết thúc cách này hay cách khác. Milady có thể phát hiện ra em đã chuyển bức thư đầu tiên cho người hầu của anh thay vì phải chuyển cho người hầu của Bá tước và chính anh đã bóc mấy bức thư sau chứ không phải ông De Wardes bóc, lúc đó Milady sẽ đuổi em, và em đã biết mụ ta rồi đấy đó không phải là một người đàn bà biết giới hạn sự trả thù đâu!
- Than ôi! - Ketty nói - Vì ai mà em ra nông nỗi này?
- Vì anh, anh biết quá đi chứ, em vô cùng xinh đẹp của anh ạ thế cho nên anh rất biết ơn em, anh thề với em đấy.
- Nhưng rốt cuộc, trong thư viết gì?
- Milady sẽ nói với em.
- A, anh không yêu em! - Ketty kêu lên - Sao tôi khốn khổ thế này?
Với những câu than thân trách phận như thế bao giờ cũng có một câu trả lời khiến đàn bà luôn nhầm lẫn. D Artagnan đã trả lời theo cách khiến Ketty rơi vào tình trạng sai lầm to lớn nhất.
- Tuy nhiên cô đã khóc rất nhiều trước khi quyết định trao bức thư đó cho bà chủ của mình. Nhưng cuối cùng, cô cũng quyết định. Đó là tất cả những gì mà D Artagnan mong muốn.
Hơn nữa, chàng cũng hứa với cô, chàng sẽ lên với cô ngay, bằng cách ra khỏi chỗ Milady sớm.
Lời hứa đó rốt cuộc cũng làm cho cô Ketty tội nghiệp yên lòng.

Alexandre Dumas - Ba người lính ngự lâm - Chương 32

Alexandre Dumas

Ba người lính ngự lâm

Chương 32


Tuy nhiên cuộc quyết đấu, trong đó Porthos đóng một vai trò chói lọi không làm chàng quên bữa ăn trưa của bà biện lý của chàng. Hôm sau khoảng một giờ, sau khi để Mousqueton chải chuốt bộ cánh áo của mình lần nữa, chàng đi về phố Lũ gấu bằng bước chân của một kẻ hai lần gặp may.
Trái tim chàng đập mạnh, nhưng không giống như D Artagnan với một mối tình trẻ trung và nôn nóng. Không, một lợi ích vật chất hơn đang giục giã máu chàng, cuối cùng chàng cũng sắp vượt qua cái ngưỡng cửa bí ẩn ấy, để bước lên bậc thang xa lạ mà những đồng vàng cũ kỹ của thày cãi Coquenard đã từng một đồng một leo lên.
Chàng sắp được nhìn tận mắt cái hòm sắt mà có đến hai chục lần chàng thấy hình ảnh nó trong mơ, cái hòm dài và sâu, khóa móc, chốt then, niêm phong dưới đất, cái hòm chàng thường được nghe nói, mà đôi bàn tay hơi khô quắt, đúng vậy, của bà biện lý sắp mở ra trước đôi mắt ngưỡng mộ của chàng.
Và rồi chàng nữa, kẻ lang thang phiêu bạt khắp đó đây, kẻ không tài sản, không gia đình, một quân nhân nhẵn mặt nơi quán trọ, tửu quán và lữ điếm, một kẻ sành ăn mà phần lớn thời gian phải gặp đâu ăn đấy, nay sắp được nếm bữa cơm gia đình, được hưởng bầu không khí gia đình ấm cúng, phó mặc cho những sự cưng chiều nho nhỏ mà người ta càng khô khan chừng nào, càng thích thú chừng ấy như mấy bác lính già đã nói. với tư cách người anh họ, ngày ngày đến ngồi vào chiếc bàn, ăn ngon lành, làm bớt nhăn vầng trán bủng beo nhăn nhúm của ông biện lý già, vặt lông đôi chút mấy chú thư ký trẻ bằng cách dạy họ những trò đê tiện, trò ba xúc xắc, bài Đức, trong những ngón thực hành ma mãnh, để thu về mỗi giờ dạy bằng cả khoản dành dụm trong cả tháng của họ, tất cả những điều đó đang mỉm cười thoải mái với Porthos.
Chàng ngự lâm ta liền nhớ lại, chỗ này, chỗ kia, mỗi chỗ một tí những tiếng đồn đại về các ông biện lý, từ thời nảo thời nào, dù chết rồi nhưng tiếng vẫn còn, về thói keo bẩn, thói xà xẻo, những ngày ăn chay, trừ việc tiết kiệm thái quá mà Porthos luôn thấy là rất không đúng lúc, rốt cuộc, đối với một bà biện lý, thì bà biện lý này vẫn cứ là khá hào phóng và chàng hy vọng sẽ gặp một ngôi nhà ở mức làm cho người ta hài lòng.
Thế nhưng, ngay tại cửa, chàng đã thấy ngờ ngợ. Càng tới gần càng thấy chẳng có gì đáng để thu hút mọi người, lối đi hôi hám và tối om, cầu thang nhờ nhờ chiếu sáng qua những song sắt từ ánh sáng sân nhà láng giềng. Ở tầng một, một chiếc cửa thấp đóng những đinh sắt khổng lồ như cổng chính Tòa pháo đài lớn Satơlê.
Porthos giơ ngón tay gõ khẽ. Một chú học nghề ký lục cao lớn, xanh xao, tóc rậm rạp như một rừng nguyên sinh ra mở cửa và chào với vẻ miễn cưỡng phải kính nể một người cũng có vóc dáng to lớn lộ rõ sức mạnh, lại mặc binh phục biểu lộ địa vị hiện thời, và nước da hồng hào chứng tỏ mức sống phong lưu.
Một chú học nghề khác nhỏ hơn đằng sau gã này, và một gã khác cao hơn đằng sau gã thứ hai, và một chú loong toong mười hai tuổi sau gã thứ ba.
Tất cả là ba chàng học nghề rưỡi, điều đó chỉ ra đây là một môn học đắt hàng nhất thời bấy giờ.
Cho dù chàng ngự lâm một giờ mới phải đến nhưng từ giữa trưa bà biện lý đã trông ngóng và mong ở tấm lòng, cũng có thể cả ở dạ dày tình lang của bà để chàng đến sớm hơn.
Bà Coquenard từ cửa buồng đi ra hầu như cùng một lúc với vị thực khách của bà từ cửa cầu thang đi lên và sự xuất hiện của vị phu nhân danh giá đó khiến chàng hết sức bối rối. Bọn học nghề nhìn chàng bằng con mắt tò mò, còn chàng không biết nói sao về cái trò leo lên leo xuống này, đành đứng lặng câm.
- Anh họ tôi đấy? - Bà biện lý reo lên - Anh vào đi, vào đi, anh Porthos.
Cái tên Porthos có ảnh hưởng ngay đến bọn học nghề khiến họ bật cười, nhưng Porthos quay lại, mọi bộ mặt lại trở lại nghiêm trang.
Vào phòng ông biện lý là phải qua tiền sảnh nơi bọn học nghề có lẽ học ở đó. Cái phòng này là một loại phòng tối om và ngổn ngang giấy lộn. Ra khỏi phòng học, đi qua nhà bếp ở bên phải là đi vào phòng tiếp khách.
Tất cả các phòng đều thông sang nhau, và không gây được một ý nghĩ tốt đẹp nào cho Porthos. Cửa phòng mở thì từ xa đã nghe thấy tiếng nói. Rồi khi đi qua, chàng liếc nhanh mắt xem bếp núc ra sao, chàng đành phải tự thú nhận lấy làm xấu hổ cho bà biện lý và trót dại cho bản thân mình, vì không thấy lửa bếp, và vẻ tấp nập, nhộn nhịp thường có trong một bữa ăn ngon, đúng hơn là thường ngự trị trong thánh đường của những món ăn ngon miệng.
Ông biện lý chắc hẳn đã được báo trước cuộc viếng thăm này vì ông chẳng tỏ ra ngạc nhiên chút nào khi nhìn thấy Porthos tiến về phía ông, với vẻ khá thoải mái và nho nhã chào ông.
- Chúng ta là họ hàng, hình như thế phải không, ông Porthos? - Ông biện lý chống tay lên chiếc ghế bành bằng trúc, nhổm dậy hỏi.
Một ông lão, bọc kín trong một chiếc áo chẽn đen rộng thùng thình và tấm thân lòng khòng, xanh xao, khô đét lọt thỏm trong đó. Đôi mắt nhỏ màu xám sáng như hai viên lựu ngọc với cái miệng nhăn nhó hình như là phần sinh sắc duy nhất còn lại trên khuôn mặt ông ta. Khốn nạn thay, đôi chân ông lại bắt đầu từ chối việc phục vụ của cái cỗ máy xương xẩu đó từ năm sáu tháng nay rồi, và từ khi ngửi thấy mùi suy sụp ấy, ông biện lý đáng kính đã gần như trở thành nô lệ của vợ mình.
Người anh họ chẳng qua được tiếp nhận một cách bất đắc dĩ thôi. Thầy kiện Coquenard nếu còn quắc thước thì đã xin lỗi mọi thứ họ hàng với ông Porthos rồi.
- Vâng, thưa ông, chúng ta là họ hàng - Porthos đáp chẳng hề lúng túng, hơn nữa chàng đâu có tính chuyện được người chồng tiếp đón nồng nhiệt.
- Về phía các bà à?
Ông biện lý hỏi một cách tinh quái. Porthos đã chẳng hề cảm thấy là sự mỉa mai, lại còn coi đó như một sự hồn nhiên khiến chàng phát buồn cười sau hàng ria rậm. Bà Coquenard thì biết thừa làm gì có chuyện ông biện lý hồn nhiên trong trường hợp đó, cũng hơi cười tủm nhưng lại đỏ mặt nhiều hơn.
Từ lúc Porthos đến, thầy kiện Coquenard vẫn lo lắng đưa mắt nhìn về phía chiếc tủ lớn kê trước chiếc bàn giấy bằng gỗ sồi của ông ta. Porthos hiểu rằng chiếc tủ ấy cho dù không giống với hình dạng chiếc hòm chàng thấy trong mơ vẫn cứ là chiếc hòm may mắn, và còn mừng thầm vì cái tủ thực này còn cao hơn cái trong mơ gần hai mét.
Thầy kiện Coquenard không đẩy xa việc điều tra gia hệ thêm nữa mà đưa mắt lo lắng từ cái tủ sang Porthos, và đành bảo:
- Ông anh họ chúng ta, trước khi ông ra trận chắc sẽ chiếu cố dùng cơm trưa một lần với chúng ta, phải không, bà Coquenard?
Lần này, Porthos cảm thấy như vừa nhận một đòn đánh trúng dạ dày, và hình như về phía bà Coquenard cũng không phải không cảm thấy điều đó vì bà nói thêm:
- Ông anh họ tôi sẽ không trở lại nữa nếu chúng ta xử sự tồi với anh ấy. Nhưng trong trường hợp trái lại, cho tới khi ra trận anh ấy cũng có quá ít thời giờ để qua được Paris, do đó không phải bất cứ lúc nào cũng có thể thu xếp để đến thăm chúng ta được đâu ôi! Đôi chân tôi! Đôi chân khốn khổ của tôi! Mày ở đâu rồi? - Ông Coquenard lẩm bẩm.
Và ông cố nở một nụ cười.
Porthos cảm thấy vô cùng biết ơn bà biện lý đã kịp thời cứu chàng đúng lúc chàng bị tấn công trong những niềm hy vọng tiêu hóa thức ăn của mình.
Chỉ lát sau, giờ ăn trưa đã tới. Mọi người đi sang phòng ăn, một phòng lớn tối tăm đối diện với bếp.
Bọn học nghề ký lục hình như cũng cảm thấy trong nhà những mùi thơm khác thường, tăm tắp như nhà binh, tay cầm ghế đẩu sẵn sàng ngồi. Người ta thấy trước được những quai hàm này nhai rau ráu với những dự tính đáng sợ.
Của nợ! - Porthos vừa nghĩ vừa liếc nhìn ba kẻ đói khát bởi chú loong toong không được phép vinh dự ngồi cùng bàn thầy kiện. Của nợ? Ở địa vị ông anh họ mình, mình sẽ không để cho lũ của nợ hau háu kia ngồi cùng - cứ như lũ đắm tàu sáu tuần không được ăn rồi ấy!
Thầy kiện Coquenard đi vào trên chiếc ghế bành có bánh lăn do bà Coquenard đẩy, Porthos thấy thế cũng giúp một tay đẩy xe đến bàn ăn.
Mới thoạt vào, ông ta cũng hít hít mũi và trệu trạo hàm bắt chước bọn học nghề ký lục, rồi nói:
- Ồ! Ồ cái món canh này chắc ngon đây.
"Mẹ kiếp món canh này có cái cóc khô gì đặc biệt khiến họ cảm thấy vậy?" Porthos nghĩ thầm trước món canh lõng bõng, chẳng có mùi gì ngoài lềnh bềnh mấy viên bột bao thịt băm như những đảo nổi trên một quần đảo.
Bà Coquenard mỉm cười và ra hiệu mời mọi người ngồi xuống, mọi người vội làm theo.
Thầy Coquenard được phục vụ đầu tiên, rồi đến Porthos. Tiếp đó bà Coquenard múc đầy đĩa mình và phân đều viên thịt bao bột cho lũ học nghề đang sốt ruột.
Cùng lúc đó, cửa phòng ăn cọt kẹt tự mở ra, và Porthos qua cánh cửa hé mở thấy chú nhỏ loong toong không được phép dự tiệc cùng, đang nhai bánh trước mùi bếp và mùi phòng ăn.
Sau món canh, người hầu gái mang ra một gà mái luộc. Món ăn xa xỉ này làm rãn căng mi mắt các thực khách đến nỗi hình như sẵn sàng nứt toác ra.
- Bà có vẻ yêu quý họ hàng nhà mình gớm nhỉ, bà Coquenard - ông biện lý nói với một cụ cười hầu như thê thảm - Rõ ràng đây hẳn phải là sự ân cần chiều chuộng của bà với ông anh họ của bà.
Con gà mái khốn khổ gầy giơ xương nhưng vẫn không chọc thủng nổi lớp da quá dầy, chắc người ta phải tìm mãi mới thấy nó đậu ở cái xó nó đã lui về đấy để đợi chết già.
"Mẹ kiếp! - Porthos nghĩ - Như thế mới thật quá buồn, ta kính trọng tuổi già, nhưng mình ít ra không thích thấy nó được đem luộc hoặc quay".
Và chàng nhìn khắp lượt xem có ai cùng ý kiến với mình không, nhưng trái hẳn với chàng, chàng chỉ thấy những cặp mắt rực lửa như đang ngốn ngấu trước con gà mái tuyệt vời, nhưng lại là đối tượng của sự khinh thị của chàng.
- Bà Coquenard kéo đĩa gà lại gần mình, khéo léo gỡ hai chiếc chân đen to đặt vào đĩa chồng, cắt cổ và đầu vào phần mình, nhấc chiếc cánh gà cho Porthos và trao nó lại cho cô hầu gái vừa mới mang nó lên, con vật lúc này trở về hầu như vẫn còn nguyên rồi biến mất trước khi chàng lính ngự lâm kịp quan sát những biến đổi do tuyệt vọng trên các khuôn mặt tùy theo đặc điểm và tính khí của mỗi người.
Thay cho con gà ranh, một đĩa đậu hạt được bưng ra, một đĩa khổng lồ trong đó có lẫn mấy cái xương cừu, lúc đầu tưởng còn dính thịt, nhưng chỉ làm ra như vậy thôi.
Nhưng bọn học nghề ký lục không bị bịp bởi cái trò tráo trở đó, và bộ dạng thảm hại của họ trở thành những bộ mặt cam chịu.
Bà Coquenard phân phát món ăn đó cho các chàng trai trẻ với mức vừa phải của một bà nội trợ đảm đang.
Rồi đến lượt rượu vang. Thầy kiện Coquenard rót từ một chiếc chai sành bé tí một phần ba ly cho mỗi chàng học việc, rót cho bản thân xấp xỉ như thế, rồi cái chai chuyển sang chỗ Porthos và bà Coquenard.
Bọn con trai pha đầy nước vào chỗ một phần ba rượu vang ấy, rồi khi đã uống xong nửa ly họ lại pha tiếp đầy ly và cứ làm mãi như thế cho đến cuối bữa và nuốt một thứ nước uống màu hồng ngọc chuyển thành màu hoàng ngọc cháy.
Porthos ăn rụt rè chiếc cánh gà và rùng mình khi cảm thấy dưới gậm bàn, đầu gối bà biện lý đang tìm kiếm đầu gối mình.
Chàng cũng uống nửa ly của thứ vang quá chặt chẽ ấy, và nhận ra đó là thứ rượu thổ sản vùng Môngtrơi tởm lợm, nỗi kinh hoàng của thói sành rượu.
Thầy kiện Coquenard nhìn chàng nuốt rượu không pha thở dài.
- Anh ăn cái món đậu đi chứ, người anh họ Porthos của em?
Bà Coquenard nói bằng một giọng như muốn bảo: tin em đi, đừng có mà ăn cái món đó.
- Có mà cho quỷ nó nếm! - Porthos lẩm bẩm rất khẽ.
Rồi chàng cao giọng:
- Cám ơn cô em họ của tôi, tôi no mất rồi.
Im lặng mất một lúc. Porthos không biết làm thế nào. Ông biện lý nhắc đi nhắc lại:
- Ôi bà Coquenard! Tôi xin có lời khen ngợi bà, bữa trưa hôm nay đúng là một bữa tiệc. Chúa ơi! Tôi ăn mới khiếp chứ?
Thầy kiện Coquenard đã ăn canh, đôi chân đen của con gà mái, và mỗi một chiếc xương cừu còn dính một tí thịt.
Porthos tin mình bị người ta chơi trò lừa, và bắt đầu vểnh ria lên, cau mày lại, nhưng đầu gối bà Coquenard tìm kiếm khẽ chạm vào chàng khuyên chàng nên kiên nhẫn.
Sự im lặng và việc ngừng phục vụ ấy vẫn còn là khó hiểu đối với Porthos thì ngược lại, lại có một ý nghĩa khủng khiếp đối với bọn học việc. Thấy ông biện lý đưa mắt kèm theo nụ cười của bà Coquenard, họ từ tốn đứng lên khỏi bàn, còn từ tốn gấp lại khăn ăn rồi chào và đi ra.
Ông biện lý nghiêm trang nói:
- Đi đi, các chàng trai trẻ, đi làm việc đi cho nó dễ tiêu.
Bọn học nghề đi rồi, bà Coquenard đứng lên và lấy ở tủ đồ ăn ra một mẩu pho mát, một ít mứt quả mộc qua và một chiếc bánh ngọt bà tự làm bằng hạnh nhân và mật ong.
Thầy kiện Coquenard cau mày vì nhìn thấy quá nhiều món.
Porthos bậm môi bởi chàng không thấy có gì để ăn trưa nữa.
Chàng nhìn xem đĩa hạt đậu có còn đó không nhưng nó cũng đã biến mất.
- Dứt khoát là tiệc rồi - thầy kiện Coquenard vừa kêu lên vừa cựa quậy trên chiếc ghế của mình - yến tiệc thực sự epulae epularum (1), Luculútx ăn ở nhà Luculútx mất rồi(2).
Porthos nhìn cái chai để cạnh mình và chàng hy vọng với rượu vang, với bánh với phó mát, chàng sẽ lại tiếp tục ăn trưa, nhưng rượu đã cạn, chai rỗng không, cả ông bà Coquenard có vẻ như chả hề biết đến chuyện đó.
Porthos tự nhủ: "Tốt lắm, đấy là mình đã được báo trước đấy".
Chàng đưa lưỡi thử nếm một thìa nhỏ mứt và bị dính răng vào thứ bột quánh của bà Coquenard.
"Giờ đây, lễ hiến tế đã xong - chàng tự nhủ. Ôi, giá như ta không có hy vọng được cùng bà Coquenard nhìn vào cái tủ của ông chồng!"
Thầy kiện Coquenard, sau khi được khoái miệng vì bữa ăn như thế mà ông gọi là thái quá, cảm thấy nhu cầu được ngủ trưa.
Porthos hy vọng việc đó có nhẽ được thực hiện tức khắc và tại chỗ, nhưng cái lão biện lý phải gió kia lại không chịu nghe ai nhất định đòi đưa về phòng mình và chừng nào lão chưa ở trước cái tủ của lão, và để cẩn thận hơn, phải ghếch chân lên thành tủ, thì lão còn kêu.
Bà biện lý dẫn Porthos sang phòng bên cạnh và người ta bắt đầu đề ra những điểm cơ bản cho việc hòa giải.
- Ông có thể đến ăn trưa ba lần một tuần - Bà biện lý nói.
- Cám ơn, tôi không thích lợi dụng. Vả lại tôi cần phải nghĩ đến việc trang bị kia.
- Đúng vậy - bà biện lý vừa nói vừa rên rỉ - cái thứ trang bị khốn kiếp đó.
- Than ôi? Vâng - Porthos nói - Chính là nó đấy.
- Nhưng món trang bị ấy bao gồm những thứ gì, ông Porthos?
- Ồ! Nhiều thứ lắm - Porthos nói - Những ngự lâm quân, bà biết đấy, là những quân nhân ưu tú, và họ cần có rất nhiều vật dụng mà đối với quân cận vệ hoặc quân Thụy Sĩ lại là vô tích sự.
- Thì hãy kể từng thứ ra nào.
- Nhưng như thế có thể tới… Porthos thích nói tới tổng số hơn bảng liệt kê từng món.
Bà biện lý run lên chờ đợi và hỏi:
- Tới bao nhiêu? Em hy vọng nó không vượt quá… Bà dừng lại không nói nổi nữa.
- Ồ, không - Porthos nói - không vượt quá hai nghìn năm trăm quan đâu. Tôi tin nếu tiết kiệm, với hai nghìn quan cũng ổn.
- Chúa ơi, hai nghìn quan! - Bà hét lên - nhưng đó là cả một gia sản.
Porthos nhăn mặt đầy ý nghĩa khiến bà Coquenard hiểu ngay:
- Em yêu cầu chi tiết cơ mà - bởi vì em có rất nhiều bà con và những người quen biết trong thương trường, em hầu như tin chắc trăm phần trăm sẽ mua được những thứ ông anh tự mua với giá thấp hơn.
- À, à, - Porthos nói - thì ra cô em muốn nói như vậy.
- Vâng, ông anh Porthos thân yêu! Như thế là trước tiên anh cần một con ngựa.
- Phải rồi, một con ngựa.
- Được thôi! Đúng là em đã nghĩ đến việc ấy rồi.
- A! - Porthos nói, mặt mày rạng rỡ hẳn lên - thế là xong cái khoản ngựa đã. Tiếp đến cần phải có yên cương đầy đủ gồm những thứ mà chỉ lính ngự lâm mới có thể mua, hơn nữa, nó cũng không vượt quá ba trăm đâu.
- Ba trăm quan. Thôi được, cứ cho là ba trăm đi - Bà biện lý vừa nói vừa thở dài.
Porthos mỉm cười, chàng nhớ mình đã có bộ yên từ ông Buckingham đem tới, thế là chàng đã ngấm ngầm đút túi được ba trăm quan.
- Rồi - Chàng tiếp tục - còn phải ngựa cho người hầu của tôi và chiếc vali cho tôi nữa. Còn về vũ khí không cần bà phải lo, tôi đã có rồi.
- Một con ngựa cho người hầu của anh ư? - Bà biện lý ngập ngừng nhắc lại - nhưng như thế là đại lãnh chúa mất rồi, bạn tôi ạ!
- Ề, thưa bà! - Porthos kiêu hãnh nói - Võ tình, tôi thành kẻ lạc loài ư?
- Không, em chỉ định nói với ông anh là một con la con xinh xắn đôi khi trông lại hay hơn một con ngựa thôi mà, và em thấy hình như kiếm một con la xinh xắn cho Mútxtông…
- Cho là con la xinh xắn đi! - Porthos nói - Cô em có lý đấy. Tôi cũng đã thấy những bậc đại lãnh chúa Tây Ban Nha mà cả đoàn tùy tòng đều cưỡi la con cả. Nhưng mà này, bà Coquenard ạ, bà phải hiểu một con la con với đầy đủ trang sức và nhạc cổ đấy nhé.
- Ông yên tâm - Bà biện lý nói.
- Còn chiếc vali - Porthos nhắc lại.
- Ồ, cái đó thì ông anh khỏi phải lo - Bà Coquenard reo lên - chồng em có đến dăm sáu chiếc. Ông cứ việc chọn chiếc nào tốt nhất. Có một chiếc ông ta rất thích mang đi du lịch, rất to, tha hồ chứa.
Porthos thật thà hỏi:
- Nó rỗng à, cái vali ấy?
Bà Coquenard cũng thật thà đáp:
- Chắc chắn là rỗng rồi.
- Ồ, nhưng mà chiếc vali mà tôi cần là chiếc vali đầy ắp cơ, bà em thân yêu ạ.
Bà Coquenard lại thở dài. Môlie còn chưa viết xong vở: "Kẻ keo bẩn" thế mà bà Coquenard đã dẫm lên chân Hácpagông rồi.
Cuối cùng phần còn lại của đồ trang bị đều được kế tiếp nhau bàn cãi theo kiểu đó và kết quả của cuộc hội đàm là bà cho chàng tám trăm quan bằng tiền, và cấp một con ngựa và một chú la non có vinh dự đem lại vinh quang cho Porthos và Mousqueton.
Các điều kiện đã ấn định xong, Porthos cáo biệt bà Coquenard.
- Bà ta muốn giữ chàng lại bằng đôi mắt hiền dịu đưa tình, nhưng Porthos mượn cớ những đòi hỏi của việc quân, bà biện lý nên nhường bước cho nhà vua.
Chàng ngự lâm quân trở về nhà với cái đói phát điên, phát cuồng.
Chú thích:(1) Tiếng Latinh có nghĩa: "Một bữa tiệc giữa các bữa tiệc "hoặc" một bữa tiệc chấm dứt mọi bữa tiệc, ý nói xa hoa quá.(2) Tướng La Mã điều khiển cuộc chiến chống Mithiridate ở Pompeé. một hôm ngườì quản lý dọn cho một mình ông ta ăn không được ưng ý. Ông ta kiêu hãnh nói: "Thế người không biết Luculútx tối nay ăn tối ở nhà Luculútx hay sao?"

Alexandre Dumas - Ba người lính ngự lâm - Chương 31

Alexandre Dumas

Ba người lính ngự lâm

Chương 31


Đến giờ hẹn, bọn họ cùng với bốn người hầu đi đến một mảnh đất rào kín thả dê, phía sau vườn Luychxămbua, Athos cho người chăn dê một đồng tiền để y lánh ra nơi khác. Bọn người hầu được giao việc canh phòng.
Một lúc sau, một toán cũng lặng lẽ đến gần, vào đó, gặp mấy người lính ngự lâm, rồi theo những thủ tục nước ngoài, hai bên giới thiệu nhau.
Bọn Anh đều là những người thuộc phẩm trật cao, nên những cái tên kỳ quái của địch thủ không những làm họ ngạc thiên, mà còn lo ngại nữa.
Nghe ba người xưng tên, Huân tước De Winter nói:
- Những tên như thế thì chúng tôi biết các ông là ai, và chúng tôi sẽ không giao chiến với những cái tên như thế đâu. Đó là tên của lũ chăn cừu.
- Huân tước, ông đoán đúng đấy, đấy là những tên giả cả thôi - Athos nói.
- Như thế chỉ càng khiến chúng tôi muốn biết những tên thật? - Gã người Anh nói.
- Các ông đã đánh bạc với chúng tôi mà có biết tên chúng tôi tâu Athos nói - với danh hiệu gì các ông thắng của chúng tôi hai con ngựa nào?
- Đúng vậy, nhưng lúc ấy chúng tôi chỉ liều những đồng vàng thôi. Lần này chúng tôi đem máu ra liều. Người ta chơi bạc với cả thiên hạ, nhưng người ta chỉ giao chiến với những người cùng đẳng cấp.
- Đúng lắm! - Athos nói. - Và chàng túm lấy một kẻ trong bốn người Anh sẽ phải đấu với chàng rồi nói nhỏ tên mình cho gã.
Porthos và Aramis cùng làm như thế.
- Như thế đã thỏa mãn ông chưa? - Athos nói với đấu thủ - Và ông thấy ta đã là một đại lãnh chúa để cho phép ta được so gươm với ông chứ?
- Phải, thưa ông - Tên người Anh vừa nói vừa nghiêng mình đáp lễ
- Vậy thì, bây giờ, ông có muốn ta nói cho ông một điều không? - Athos lạnh lùng nói tiếp.
- Điều gì? - Gã người Anh hỏi.
- Là điều nhẽ ra ông đừng đòi ta cho biết tên thì tốt hơn.
- Tại sao vậy.
- Bởi người ta tưởng ta đã chết, vì ta có những lý do để mong muốn người ta không biết ta còn đang sống và ta sẽ buộc lòng phải giết ông để bí mật của ta khỏi tung tóe ra.
Gã người Anh nhìn Athos tưởng chàng đùa, nhưng Athos không đùa một chút nào.
- Các vị! - Athos vừa nói với đồng đội vừa tới phía các địch thủ - Chúng ta sẵn sàng cả rồi chứ?
- Rồi - Cả người Anh và người Pháp đồng thanh trả lời.
- Vậy, hãy phòng thủ - Athos nói, và lập tức tám thanh gươm lóe sáng trong ánh trời tà và cuộc giao chiến bắt đầu với một sự ác liệt hoàn toàn đương nhiên giữa những kẻ từng hai lần thù địch.
Athos xỉa gươm đúng phép và bình tĩnh như trong phòng luyện.
Porthos chắc chắn đã sửa chữa được cái bệnh quá chủ quan trong cuộc phiêu lưu ở Săngtily, chơi những đường kiếm rất hiểm và rất thận trọng.
Aramis còn phải làm cho xong đoạn ba thi khúc của mình nên tỏ ra rất vội, muốn xong chóng vánh.
Athos là người đầu tiên giết chết địch thủ: chàng chỉ đâm hắn có một mũi, nhưng như chàng đã báo trước, đó là một mũi tử thương, mũi gươm xuyên qua tim.
Porthos là người thứ hai hạ đối thủ của mình lăn xuống cỏ.
Chàng đã đâm thủng đùi hắn. Vì gã người Anh này không tiếp tục kháng cự nữa, gã đã trao gươm cho chàng nên Porthos hai tay dìu gã và đưa gã lên xe.
Aramis dồn ép đối thủ mãnh liệt, và sau khi đã bị vỡ thế trận năm chục bước, cuối cùng hắn co cẳng chạy và biến mất trước những tiếng hò reo chế giễu của bọn người hầu. Còn D Artagnan, chàng chỉ hoàn toàn đánh phòng thủ, rồi khi thấy đối thủ đã quá mệt, bằng một cú đánh tạt cực mạnh chàng làm bay gươm đối thủ. Gã nam tước, thấy bị mất gươm nhảy lùi hai ba bước về phía sau, nhưng trượt chân, ngã lộn ngửa.
D Artagnan nhảy phọt tới tì mũi gươm vào họng gã.
- Ta có thể giết ông - Chàng nói với người Anh - và ông đã hoàn toàn trong tay ta, nhưng vì tình yêu với chị gái ông, ta tha chết cho ông.
D Artagnan vui sướng đến cực độ. Chàng vừa thực hiện xong kế hoạch đã vạch trước, và sự tiến triển của kế hoạch làm rạng rỡ những nụ cười trên khuôn mặt chàng.
Người Anh, vui mừng được xử lý việc này với một con người rất chi cao thượng, liền ôm siết D Artagnan trong vòng tay và không ngớt mồm tâng bốc mấy chàng ngự lâm quân. Rồi vì đối thủ của Porthos đã ở trong xe, còn tên của Aramis đã biến vô tăm tích, mọi người chỉ còn nghĩ đến kẻ đã chết.
Vì Porthos và Aramis lột quần áo hắn ra hy vọng vết thương không gây tử vong, một túi tiền lớn rơi ra khỏi đai lưng.
D Artagnan nhặt và đưa cho Huân tước De Winter. Gã người Anh nói:
- Ông muốn tôi làm cái chết tiệt gì với túi tiền này?
- Ông trả cho gia đình ông ta - D Artagnan nói.
- Gia đình ông ta quan tâm lắm đến món vặt ấy ư? Họ được thừa hưởng mười lăm nghìn louis vàng lợi tức. Ông cứ giữ lấy cho các người hầu của các ông.
D Artagnan đút túi tiền vào túi mình.
- Và bây giờ, ông bạn trẻ của tôi, bởi tôi hy vọng ông cho phép tôi được gọi ông như vậy - Huân tước De Winter nói - ngay tối nay, nếu ông muốn, tôi sẽ giới thiệu ông với chị gái tôi, phu nhân Clericss, bởi vì tôi muốn đứng về phía chị ấy, chị ấy cũng hết lòng ưu ái với ông, và vì chị ấy không phải là kém cỏi lắm ở trong triều, có thể trong tương lai chị ấy chỉ nói một tiếng, không phải là không có ích với ông đâu.
D Artagnan khoái trí đến đỏ mặt, nghiêng mình tỏ ý hoan nghênh. Trong khi đó, Athos lại gần nói nhỏ vào tai D Artagnan:
- Cậu định làm gì với cái túi tiền đó?
- Ồ, tôi định trả lại anh thôi mà, anh Athos thân mến.
- Trả tôi hả? Tại sao vậy?
- Khỉ, anh giết hắn, đó là chiến lợi phẩm của anh.
- Tôi, thừa kế của kẻ thù ư! - Athos nói - Cậu coi tôi là hạng người nào?
- Đó là lệ của chiến tranh - D Artagnan nói - Tại sao không coi đó là lệ của quyết đấu?
- Ngay cả ở trên chiến trường - Athos nói - Tôi cũng không bao giờ làm như thế.
Porthos nhô vai lên. Aramis mấp máy môi, tán thành Athos.
- Thế thì - D Artagnan nói - ta cho bọn người hầu số tiền này như Huân tước De Winter bảo nên làm thế.
- Đúng, - Athos nói - nhưng cho lũ người hầu của bọn Anh chứ không phải người hầu của chúng ta.
Cách xử sự cao cả ấy của một con người không còn một xu dính túi khiến bản thân Porthos cũng phải xúc động và lòng hào hiệp Pháp, đã được Huân tước De Winter và bạn mình kể lại, đâu đâu cũng trầm trồ khen ngợi chỉ trừ có các chú chàng Grimaud, Mousqueton, Planchet và Bazin.
Huân tước De Winter khi chia tay D Artagnan đã cho chàng địa chỉ chị dâu mình. Nàng cư trú ở quảng trường Hoàng gia bấy giờ là khu phố rất thời thượng và ở nhà số 6. Hơn nữa ông ta còn ngỏ ý đến đón chàng đi để giới thiệu. D Artagnan hẹn với ông ta lúc tám giờ ở nhà Athos.
Việc ra mắt Milady chiếm hết tâm trí chàng Gascogne.
Chàng nhớ lại người đàn bà ấy cho đến nay đã xen vào số phận mình một cách kỳ lạ như thế nào. Chàng tin chắc, đó là người của Giáo chủ, nhưng chàng vẫn cảm thấy không thể cưỡng nổi bị nàng lôi cuốn bởi một thứ tình cảm không phân định rõ ràng được Điều e sợ duy nhất của chàng là Milady nhận ra chàng là người ở Măng và ở Đuvrơ. Lúc đó, nàng sẽ biết chàng là bạn của ông De Treville và do đó linh hồn và thể xác chàng thuộc về nhà vua, dẫn đến việc làm mất một phần lợi thế của chàng, vì một khi, hai bên đều hiểu nhau như thế, cuộc chơi sẽ ở tư thế ngang nhau. Về sự khởi đầu dan díu giữa nàng với Bá tước De Wardes, anh chàng tự phụ này lại không lo lắng mấy mặc dầu vì Hầu tước(1) này vừa trẻ, đẹp, giàu và có ưu thế mạnh trong sự sủng ái của Giáo chủ. Nhưng khi người ta mới hai mươi tuổi, nhất lại là dân Tácbơ thì không phải những cái đó chẳng là gì hết.
D Artagnan bắt đầu bằng việc về nhà, ăn mặc thật choáng lộn rồi trở lại nhà Athos và theo thói quen kể lại hết cho Athos, Athos lo lắng nghe những dự định của chàng rồi lắc đầu và khuyên chàng phải cẩn thận, bằng một vẻ chua chát.
- Sao? Cậu vừa bị mất một người đàn bà cậu bảo tất, duyên dáng, hoàn hảo và bây giờ cậu đã vội chạy theo một người đàn bà khác ư?
D Artagnan cảm thấy sự trách móc ấy thật xứng đáng.
- Tôi yêu bà Bonacieux bằng trái tim, còn Milady, tôi yêu bằng lý trí. Để người ta dẫn tôi đến nhà nàng, trên hết là tôi tìm cách làm sáng tỏ vai trò của nàng ở triều đình.
- Vai trò của nàng ư? Mẹ kiếp! Sau tất cả những gì cậu nói với mình có khó khăn gì mà không đoán ra. Chỉ là thứ con mồi nào đó của Giáo chủ, một mụ đàn bà dụ cậu chui vào trong một cái bẫy, và cậu sẽ mất đầu ở đấy như chơi.
- Quỷ ạ? Anh Athos thân mến, tôi thấy hình như anh nhìn cái gì cũng thành màu đen cả.
- Cậu em thân mến, mình không tin đàn bà, biết làm thế nào! Mình đã phải trả giá về chuyện đó, và nhất là loại đàn bà tóc hung vàng. Milady tóc hung vàng, cậu chẳng bảo mình thế ư?
Nàng có bộ tóc hung vàng đẹp chưa từng thấy.
- Ôi, cậu D Artagnan đáng thương của tôi - Athos nói.
- Anh nghe đây. Tôi muốn làm sáng tỏ. Rồi khi tôi biết rõ điều tôi muốn biết, tôi sẽ lánh xa. cậu cứ việc làm sáng tỏ - Athos nói một cách lạnh lùng.
Huân tước De Winter đến đúng giờ. Athos được báo trước đã chuyển sang phòng bên. Winter thấy có một mình D Artagnan, và vì đã gần tám giờ, Huân tước dẫn chàng đi.
Một cỗ xe sang trọng đang chờ ở phía dưới và vì xe được thắng hai con ngựa ưu tú, nên chỉ một lát sau mọi người đã ở quảng trường Hoàng gia.
Milady Clericss trịnh trọng đón tiếp D Artagnan. Cư xá của nàng tráng lệ xa hoa đặc biệt, và cho dù phần lớn người Anh bị chiến tranh xua đuổi, đã rời khỏi hoặc đang rời nước Pháp, Milady lại vừa chi những khoản mới tại ngay cư xá của mình. Điều đó chứng tỏ phương sách nói chung dùng để xua đuổi người Anh về nước không làm cho nàng quan tâm.
Huân tước De Winter giới thiệu D Artagnan với chị mình.
- Chị xem, đây là nhà quý tộc trẻ đã nắm tính mạng tôi trong tay, và không hề muốn lạm dụng lợi thế của mình, cho dù chúng tôi đã từng hai lần là kẻ thù của nhau, vì chính tôi đã xúc phạm ông ấy, và vì tôi là người Anh. Chị hãy cảm ơn ông ấy đi nếu chị còn có chút tình với tôi.
Milady hơi cau mày. Một lớp mây thoáng hiện qua trên trán nàng, và một nụ cười rất lạ lùng hiện lên trên môi nàng khiến chàng trai trẻ cùng một lúc nhìn thấy ba sắc dạng ấy không khỏi rùng mình.
Người em nàng không nhìn thấy gì cả. Ông ta quay đi để đùa với con khỉ yêu quý của Milady, đang kéo áo chẽn của ông ta.
Milady bằng một giọng nói đặc biệt dịu dàng trái hẳn với những biểu hiện khó chịu mà D Artagnan vừa nhận thấy, bảo chàng:
- Thưa ông, rất hân hạnh được đón ông. Hôm nay ông đã có được những quyền bắt tôi phải mãi mãi biết ơn ông.
Người Anh kia bấy giờ mới quay lại và kể hết trận chiến không bỏ một chi tiết. Milady lắng nghe hết sức chăm chú, tuy nhiên dù nàng đã hết sức che giấu những cảm xúc của mình, người ta vẫn thấy được dễ dàng câu chuyên không hề làm cho nàng thích thú chút nào. Máu dồn lên mặt nàng và bàn chân nhỏ nhắn của nàng cứ bứt rứt không yên dưới làn váy áo.
Huân tước De Winter không nhận thấy gì hết. Rồi khi đã kể xong, ông ta lại gần cái bàn, trên có một cái khay để một chai rượu nho Tây Ban Nha và mấy cái cốc. Ông ta rót đầy hai cốc, ra hiệu mời D Artagnan uống.
D Artagnan hiểu rằng từ chối một người Anh không chạm cốc với họ là làm họ phật ý ghê gớm. Vì vậy chàng lại gần bàn và cầm lấy cốc thứ hai. Song chàng không hề rời mắt khỏi Milady, và trong gương chàng bắt gặp sự biến đổi vừa xảy ra trên khuôn mặt nàng. Giờ đây nàng tưởng không bị ai nhìn nữa, một nét hung tợn lồ lộ trên khuôn mặt nàng. Nàng nghiến chặt răng cắn chiếc khăn tay.
Cô gái hầu xinh tươi nhỏ nhắn mà D Artagnan đã để ý tới lúc này bước vào, cô nói bằng tiếng Anh mấy câu với Huân tước De Winter. Ông ta lập tức xin phép D Artagnan, và nhờ người chị xin lỗi.
D Artagnan bắt tay Huân tước Winter và quay lại bên Milady. Mặt nàng với một sự linh hoạt kỳ lạ, đã lấy lại được nét duyên dáng, duy chỉ có mấy vết máu nhỏ thấm rải rác trên chiếc khăn tay là chỉ rõ nàng đã cắn môi mình đến bật máu.
Đôi môi nàng tuyệt đẹp, người ta bảo như màu san hô.
Cuộc trò truyện có vẻ vui nhộn hẳn lên. Milady hình như đã hoàn toàn trở lại bình thường. Nàng kể Huân tước De Winter chỉ là em chồng nàng chứ không phải em nàng. Nàng đã lấy người con út(2) trong gia đình, người đó đã qua đời để lại nàng góa bụa với một đứa con. Đứa bé ấy là người thừa kế duy nhất của Huân tước De Winter, nếu Huân tước không lấy ai. Tất cả những cái đó khiến cho D Artagnan thấy như có một tấm màn phủ lên một đicu gì đó, nhưng chàng lại chưa nhìn rõ cái gì dưới tấm màn.
Hơn nữa, sau nửa giờ chuyện trò, D Artagnan chắc Milady là đồng bào của mình, nàng nói tiếng Pháp rất tinh tế và bay bướm khiến không thể còn chút nghi ngờ gì về việc nàng là người Pháp. D Artagnan không ngớt tán tỉnh và cam đoan chung thủy.
Trước tất cả những câu ngớ ngẩn tuôn ra từ chàng trai Gascogne, nàng chỉ mỉm cười đầy thiện chí. Giờ rút lui đã tới.
D Artagnan cáo biệt Milady và ra khỏi phòng khách như một người sung sướng nhất trên đời.
Trên cầu thang chàng gặp cô hầu gái xinh đẹp, cô gái khi đi qua khẽ cọ vào người chàng và đỏ bừng mặt lên xin lỗi vì đã đụng phải chàng, bằng một giọng rất hiền dịu khiến lời xin lỗi lập tức được chấp nhận ngay.
Hôm sau D Artagnan trở lại và còn được đón tiếp nhiệt tình hơn đêm trước. Huân tước De Winter không có đó, và lần này chính là Milady đã hết sức hân hạnh tiếp chàng suốt cả buổi tối.
Nàng tỏ ra vẻ rất thích chàng, hỏi chàng hiện ở đâu, ai là những bạn bè của chàng và liệu đôi khi chàng có nghĩ đến chuyện phụng sự Đức Giáo chủ không.
D Artagnan như đã biết, là người quá thận trọng so với tuổi hai mươi, liền nhớ lại những ngờ vực của mình về Milady.
Chàng hết sức ca ngợi Đức ông và bảo nàng thay vì xung vào đội cận vệ của nhà vua, chàng đã không hề để lỡ chút nào xung vào đội cận vệ của Giáo chủ, nếu ví dụ chàng quen biết ông De Cavoa thay vì quen biết ông De Treville.
Milady chuyển ngay sang chuyện khác chẳng một chút gượng gạo và hỏi D Artagnan một cách hững hờ nhất trần đời là chàng đã bao giờ ở nước Anh chưa.
D Artagnan trả lời rằng chàng đã được ông De Treville phái sang đấy để xử lý vấn đề nâng cấp ngựa, và chàng cũng đã mang về bốn con để làm mẫu.
Milady, trong khi nói chuyện, hai ba lần mím môi. Nàng vấp phải một gã Gascogne chơi rất kín kẽ.
Cũng bằng giờ đêm trước, D Artagnan rút lui. Trong hành lang chàng lại gặp cô hầu Ketty xinh đẹp. Cô gái nhìn chàng bằng thái độ đầy thiện cảm mà chàng không thể nhầm chút nào.
Nhưng D Artagnan lại quá quan tâm tới nữ chủ nhân, nên chàng tuyệt đối chẳng nhận thấy gì ngoài những điều đến từ nữ chủ nhân.
Hôm sau D Artagnan lại đến nhà Milady rồi hôm sau nửa và mỗi tối Milady lại đón tiếp chàng thịnh tình hơn.
Mỗi tối, lần trong tiền sảnh, lần ở hành lang, lần trên cầu thang, chàng đều gặp cô hầu gái xinh đẹp.
Nhưng như đã nói, D Artagnan không hề chú ý đến sự kiên tâm của nàng Ketty tội nghiệp.
Chú thích:
(1) Lại một sự nhầm lẫn của tác giả, vì vừa dòng trên ông còn gọi là bá tước De Wardes, nay đã thành Hầu tước rồi.
(2) Chỗ này tác giả dùng từ Cadet (út, thứ), nhưng về sau gẩn cuối lại gọi là frère ainé (anh cả). Chúng tôi coỉ chồng thứ hai của Milady là anh cả của Huân tước De Winter

Alexandre Dumas - Ba người lính ngự lâm - Chương 30

Alexandre Dumas

Ba người lính ngự lâm

Chương 30


D Artagnan vẫn bám theo Milady mà không để cho nàng biết được. Chàng thấy nàng lên xe và nghe thấy tiếng ra lệnh cho tên đánh xe đi về cửa ô Saint-Germain.
Nhưng thật là vô ích khi cố chạy bộ bám theo một chiếc xe chạy nước kiệu do hai con ngựa lực lưỡng kéo, D Artagnan đành trở về phố Fréjus.
- Ở phố Sông Sein chàng gặp Planchet đang dừng chân trước cửa hàng bánh ngọt và có vẻ còn đang đê mê với một ổ bánh mì sữa hình dáng rất ngon lành.
Chàng ra lệnh cho gã đóng yên hai con ngựa trong chuồng ngựa của ông De Treville, một con cho chàng, một con cho gã rồi đến gặp chàng ở nhà Athos. Ông De Treville đã cho phép chàng muốn dùng ngựa của ông lúc nào cũng được.
Planchet đi về phía phố Chuồng chim câu, và D Artagnan về phố Fréjus. Athos vẫn ở nhà, đang ngồi buồn uống cạn những chai rượu nho Tây Ban Nha nổi tiếng chàng mang về trong chuyến đi tới Picađi. Chàng ra hiệu cho Grimaud mang một cốc cho D Artagnan và Grimaud vâng lời theo thường lệ.
D Artagnan kể lại cho Athos nghe tất cả những gì đã diễn ra ở nhà thờ giữa Porthos và bà biện lý, và có thể, lúc này, người bạn của họ đang đi sắm quân trang như thế nào.
Nghe hết chuyện, Athos trả lời:
- Còn tôi, tôi hoàn toàn yên trí sẽ không phải là đàn bà bỏ ra trả tiền yên cương cho tôi đâu.
- Nhưng tuy nhiên, đẹp trai, lịch thiệp, đại lãnh chúa như anh, thì sẽ chẳng công chúa, hoàng hậu nào thoát khỏi những mũi tên tình ái của anh đâu.
- Ôi cái cậu D Artagnan trẻ người non dạ này! - Athos vừa nói vừa nhún vai.
Và chàng ra hiệu cho Grimaud mang chai rượu thứ hai đến.
Cùng lúc đó, Planchet thập thò qua chiếc cửa hé mở báo cho chủ mình biết hai con ngựa đã tới đây.
- Ngựa nào vậy? - Athos hỏi.
- Hai con ông De Treville cho tôi mượn để đi dạo và với lũ ngựa này tôi sẽ làm một chuyến đến Saint-Germain.
- Và cậu định làm gì ở chỗ Saint-Germain? - Athos lại hỏi thêm.
- Thế là D Artagnan liền kể cuộc gặp gỡ trong nhà thờ, và chàng đã gặp lại cái người đàn bà đi cùng vị lãnh chúa mặc áo choàng đen và có sẹo ở thái dương như thế nào, người đàn bà đó là mối bận tâm vĩnh viễn của chàng.
- Có nghĩa là cậu đã phải lòng người đàn bà này cũng như đối với bà Bonacieux chứ gì - Athos vừa nói vừa nhún vai khinh thị như thể chàng lấy làm thương hại cho sự yếu đuối của con người.
- Tôi hả, không đời nào! - D Artagnan hét lên - Tôi chỉ tò mò muốn làm sáng tỏ cái bí mật mà bà ta gắn kết với nó. Tôi không biết tại sao tôi cứ hình dung ra người đàn bà tôi hoàn toàn không quen biết đó và con người mặc áo choàng đen cũng hoàn toàn không quen biết tôi lại có ảnh hưởng đến đời tôi.
- Thật ra, cậu có lý đấy - Athos nói - tôi không biết một người đàn bà nào đang để bõ công đi tìm khi nàng đã mất tăm mất tích. Bà Bonacieux đã mất tăm, thì mặc kệ bà ta, rồi bà ta sẽ tìm được đường về.
- Không, Athos, anh nhầm rồi! - D Artagnan nói - Tôi yêu nàng Constance đáng thương của tôi hơn bao giờ hết và nếu tôi biết nàng ở nơi đâu, dù ở tận cùng thế giới tôi cũng sẽ đi ngay để cứu thoát nàng khỏi bàn tay kẻ thù của nàng. Nhưng tôi không biết ở đâu, mọi sự tìm kiếm của tôi đều vô ích. Anh còn muốn gì nào? Thì cũng phải giải khuây đã chứ.
- Vậy thì đi mà giải khuây với Milady, D Artagnan thân mến ạ, nếu việc đó làm cậu thích thú, thì tôi xin hết lòng mong cho cậu đấy.
- Nghe đây, anh Athos - D Artagnan nói - vì anh cứ tự nhốt kín mình ở đây như là bị cầm tù ấy, hãy lên ngựa cùng đi dạo với tôi đến Saint-Germain có hơn không.
- Bạn thân mến - Athos đáp - Tôi lên ngựa khi nào tôi có ngựa, nếu không tôi cuốc bộ.
- Thôi đi! - D Artagnan vừa trả lời vừa mỉm cười về cái giọng chán đời của Athos, mà nếu là của một người khác chắc hẳn đã làm chàng bị tổn thương - Tôi không kiêu hãnh như anh đâu, tôi cưới bất cứ con ngựa nào tôi gặp. Thôi thế, đành tạm biệt vậy, anh Athos thân mến.
- Tạm biệt, - chàng ngự lâm quân vừa nói vừa ra hiệu cho Grimaud mở nút chai rượu gã vừa mang tới.
D Artagnan và Planchet cùng nhảy lên yên vừa thẳng đường tới Saint-Germain.
Suốt dọc đường, những gì mà Athos nói về bà Bonacieux lại trở lại trong tâm trí chàng. Cho dù D Artagnan tính tình không đa cảm mấy, cô hàng xén xinh đẹp vẫn để lại một ấn tượng thật sự trong trái tim chàng. Và như chàng đã nói, chàng sẵn sàng đi đến tận cùng thế giới để tìm nàng. Nhưng thế giới lại có nhiều chỗ tận cùng, sở dĩ như vậy vì nó tròn, thành thử chàng không biết quay về phương nào mà tìm.
Trong khi chờ đợi, chàng đang muốn cố hiểu xem Milady kia là người thế nào. Milady đã nói với người mặc áo choàng đen.
Vậy là nàng quen biết hắn. Thế mà trong tâm trí D Artagnan, chính tên mặc áo choàng đen đã bắt cóc bà Bonacieux lần thứ hai, cũng như hắn đã từng bắt cóc nàng lần thứ nhất. Như vậy là D Artagnan chỉ nói dối một nửa, tức chẳng nói dối bao nhiêu khi chàng nói đi tìm kiếm Milady cũng là đồng thời tìm kiếm nàng Constance.
Vừa đi vừa nghĩ như thế, vừa thỉnh thoảng thúc ngựa, D Artagnan đi hết đoạn đường và đã đến Saint-Germain.
Chàng đi men theo tòa nhà mà mười năm sau Louis XIV ra đời ở đó Rồi chàng đi xuyên qua một phố vắng, nhìn trái, nhìn phải xem có nhận ra dấu vết gì của mỹ nhân người Anh không, thì ở tầng trệt một ngôi nhà xinh đẹp, theo thói quen thời buổi đó không có cửa sổ trông ra đường phố, chàng thấy xuất hiện một gương mặt quen quen. Gương mặt quen đó đang đi dạo trên một loại thềm cây đang nở hoa. Planchet nhận ra hắn trước liền nói với D Artagnan:
- Này ông chủ, ông không nhớ ra bộ mặt đang ngơ ngơ ngác ngác kia ư?
- Không - D Artagnan nói - Tuy nhiên ta tin chắc đây không phải là lần đầu ta nhìn thấy gương mặt ấy.
- Mẹ kiếp, tôi thì tôi tin chắc - Planchet nói - đấy chính là tên Luybanh tội nghiệp, người hầu của Bá tước De Wardes mà cách đây một tháng, ông đã sắp xếp cho ông ta rất là chu đáo ở Cale, trên đường tới dã thự của ông trấn thủ ấy.
- À, phải rồi - D Artagnan nói - giờ thì ta nhận ra hắn rồi.
- Anh có tin hắn cũng nhận ra anh không?
- Ông chủ ạ, lúc đó nó đang rối tinh, rối mù, tôi ngờ nó khó có thể nhớ được một điều gì rõ ràng về tôi.
- Này, thế thì đến gạ chuyện với hắn đi - D Artagnan nói - và thăm dò xem liệu chủ hắn có ngoẻo không.
Planchet xuống ngựa, đi thẳng đến chỗ Luybanh. Quả nhiên hắn không nhận ra gã, và hai chàng hầu trò chuyện với nhau với tình hữu hảo nhất trên đời. Trong khi đó, D Artagnan xua hai con ngựa vào trong một ngõ hẻm rồi đi vòng theo một ngôi nhà để trở lại đứng sau hàng rào cây phỉ tham dự cuộc chuyện trò của hai người kia.
Quan sát sau hàng rào được một lúc, chàng nghe thấy tiếng xe ngựa và thấy chiếc xe của Milady đỗ lại ngay trước mặt chàng. Không còn nhầm vào đâu được, Milady đang ngồi trong xe, D Artagnan cúi người xuống nấp sau cổ ngựa để trông thấy hết mà không bị lộ diện.
Milady thò đầu tóc vàng hoe ra khỏi cửa xe ra lệnh cho cô gái hầu phòng của mình.
Cô gái xinh đẹp khoảng hai mươi đến hăm hai tuổi, hoạt bát, lanh lợi, xứng đáng là người hầu gái của bậc mệnh phụ, đang ngồi ở chỗ bậc lên xe theo tục lệ thời đó, liền nhảy xuống đi về phía cái thềm cây hoa nơi D Artagnan bắt gặp Luybanh.
D Artagnan đưa mắt nhìn theo cô người hầu và thấy cô đi về phía cái thềm. Nhưng vô tình trong nhà có lệnh gọi Luybanh, thành thử còn trơ lại Planchet đang nhìn quanh bốn phía xem chủ mình biến đi đằng nào.
Cô gái hầu phòng đến gần Planchet mà cô tưởng nhầm là Luybanh và đưa cho gã một thư ngắn:
- Gửi cho chủ anh đấy - Cô nói.
- Cho chủ tôi? - Planchet ngạc nhiên hỏi lại.
- Vâng và rất vội đấy. Vậy cầm lấy mau lên.
- Thế rồi, nàng như chạy trốn về phía cỗ xe lúc này đã quay đầu lại về phía đã đến. Cô gái nhảy lên bậc xe và cái xe đi mất.
Planchet lật đi lật lại mẩu giấy, rồi theo thói quen vâng lời một cách thụ động, gã nhảy từ bậc thềm xuống luồn vào ngõ hẻm, và được độ hai mươi bước chân thì gặp D Artagnan đã chứng kiến hết và đang đến trước mặt gã.
- Ông chủ, gửi cho ông đây - Planchet nói và giơ bức thư ra.
- Cho ta? - D Artagnan nói. - Anh có chắc không?
- Mẹ kiếp! Tôi chắc quá đi chứ, con hầu gái nó bảo: "Gửi cho chủ anh đấy!". Tôi có chủ nào khác ngoài ông nào? Thế đấy… Cái con gái hầu ấy, quả tình, nó xinh và thanh mảnh quá đi mất.
D Artagnan mở thư ra đọc những hàng chữ sau:
"Một người quan tâm đên ông hơn cả những gì người ấy có thể nói ra, muốn biêt ngày nào ông sẽ thích dạo chơi trong rừng. Ngày mai, ở khách sạn Cánh đồng tấm thảm vàng, một tên hầu mặc áo đỏ quần đen sẽ đợi thư trả lời của ông".
- Ồ, ồ! - D Artagnan tự nhủ - thế là hơi rõ rồi đây. Hình như Milady và ta đều nhọc lòng vì sức khỏe của cùng một con người thì phải.
- Này Planchet, cái ông De Wardes quý hóa ấy ra sao rồi? Ông ta không ngoẻo đấy chứ?
- Không, thưa ông, ông ta khỏe như một người có thể chịu nổi bốn nhát gươm đâm vào người, bởi ông đã xỉa bốn nhát miễn chê cho vị quý tộc thân mến ấy và ông ấy vẫn còn yếu vì mất nhiều máu quá. Như tôi đã nói với ông chủ đấy. Luybanh không nhận ra tôi, nên đã kể cho tôi nghe từ đầu đến cuối cuộc mạo hiểm của chúng ta.
- Tốt lắm, Planchet, anh đúng là vua của những người hầu đó, bây giờ lên ngựa thôi và đuổi kịp cỗ xe.
Cũng không lấy gì làm lâu lắm, chỉ độ dăm phút họ đã bắt gặp chiếc xe dừng lại bên trái vệ đường. Một kỵ sĩ ăn mặc sang trọng đứng ở cửa xe.
Câu chuyện giữa Milady và người kỵ sĩ đó rất sôi nổi đến nỗi D Artagnan dừng ngựa phía bên kia cỗ xe mà không ai ngoài cô hầu gái xinh đẹp biết chàng có mặt.
Cuộc nói chuyện được diễn ra bằng tiếng Anh, thứ tiếng D Artagnan chẳng hiểu gì, nhưng cứ theo giọng điệu, chàng tin là mình đoán được mỹ nhân người Anh đang rất tức giận. Nàng dứt chuyện bằng một điệu bộ khiến chàng chẳng còn nghi ngờ gì nữa về bản chất của cuộc chuyện trò: đó chính là cú đập quạt mạnh đến nỗi cái đồ mỹ nghệ nhỏ bé của phụ nữ ấy bay lên thành nghìn mảnh.
Người kỵ sĩ phá lên cười chừng như càng làm Milady thêm tức tối D Artagnan nghĩ đây là lúc nên can thiệp. Chàng lại gần cửa xe bên kia, lễ phép ngả mũ chào:
- Thưa bà, bà cho phép tôi được phục vụ bà chứ? Tôi thấy hình như ông kỵ sĩ đây làm bà tức giận. Thưa bà, bà chỉ cần nói một tiếng, tôi xin đảm nhiệm trừng phạt ông ta về tội thiếu lịch sự với bà.
Mới nghe, Milady đã quay lại ngạc nhiên nhìn chàng trai trẻ và khi chàng vừa nói dứt thì nàng nói bằng một thứ tiếng Pháp rất sõi:
- Thưa ông, tôi sẽ rất cảm động được đặt mình dưới sự che chở của ông nếu người cãi nhau với tôi không phải là em tôi.
- À, vậy xin thứ lỗi cho tôi - D Artagnan nói - thưa bà, bà cũng hiểu là tôi không rõ chuyện đó.
- Người kỵ sỹ mà Milady đã chỉ ra là họ hàng đó cúi xuống ngang tầm cửa xe hét lên:
- Cái tên bố nhắng ấy làm sao lại xen chuyện vào; tại sao nó không xéo đi theo đường của nó.
D Artagnan về phía mình, cũng cúi xuống cổ ngựa trả lời chõ vào cửa xe.
- Có ông mới là đồ bố nhắng ấy. Ta không đi đường của ta vì ta thích dừng lại ở đây.
Người kỵ sỹ nói một câu tiếng Anh với chị gái.
- Ta nói với ông bằng tiếng Pháp - D Artagnan nói - Ta yêu cầu ông vui lòng trả lời ta bằng thứ tiếng ấy. Ông là em của bà ấy thì mặc ông, nhưng may thay ông lại không phải là em của ta.
Người ta đã tưởng rằng Milady cũng sợ sệt như phụ nữ thường tình, sẽ xen vào ngay từ lúc bắt đầu có chuyện khích bác để ngăn không cho nàng nhảy tọt vào mãi tít trong cuối xe và lạnh lùng bảo tên đánh xe:
- Về ngay khách sạn.
Cô hầu gái xinh đẹp liếc mắt nhìn lo lắng về phía D Artagnan mà dáng vẻ khôi ngô của chàng hình như đã ảnh hưởng đến cô.
Cỗ xe phóng đi để lại hai người đàn ông đối mặt nhau không còn trở ngại vật chất nào ngăn cách họ nữa.
- Người kỵ sĩ định quay người đi theo chiếc xe, nhưng D Artagnan, cơn giận đã sôi lên và càng tăng thêm nữa khi nhận ra ở hắn là tên người Anh ở Amiêng đã thắng chàng con ngựa và suýt nữa đã thắng Athos cả chiếc nhẫn kim cương của chàng liền nhảy tới nắm lấy cương ngựa ngăn hắn lại.
- Này, ông ơi - chàng nói - Ông hình như còn bố nhắng hơn ta bởi ông làm ra vẻ đã quên giữa chúng ta đã có một cuộc cãi nhau nho nhỏ.
- À, à! - Tên người Anh nói - Chính là ông, thầy cờ bạc. Vậy là ông cứ luôn luôn phải chơi hoặc trò này hoặc trò khác hay sao?
- Phải, và việc đó khiến ta nhớ ra là ta phải gỡ lại. Rồi chúng ta sẽ thấy mà, ông bạn thân mến, ông chơi gươm cũng khéo như chơi hộp xúc xắc đấy chứ?
- Ông thấy rõ là tôi không mang theo gươm - Tên người Anh nói - Ông định tỏ ra can trường để chống lại một người không vũ khí chăng?
- Ta hy vọng ông để nó ở nhà - D Artagnan đáp lại - Dẫu sao ta cũng có hai thanh và nếu ông muốn, ta sẽ chơi với ông bằng một trong hai thanh.
- Vô ích thôi. Tôi cũng mang theo đủ mọi dụng cụ đó.
- Vậy thì? Ông quý tộc danh giá của ta ơi - D Artagnan nói tiếp ông hãy chọn thanh dài nhất ấy và tối nay hãy mang đến cho ta xem…
- Ông thích ở đâu?
- Đằng sau vườn Luýchxămbua, đó là một khu rất đẹp cho những cuộc dạo chơi thuộc loại mà ta đề nghị với ông.
- Được, sẽ có mặt!
- Ông thích mấy giờ?
- Sáu giờ.
- Nhân thể, ông cũng có thể có một vài người bạn chứ?
- Ồ, tôi có những ba đều sẽ rất vinh dự được chơi cùng bên với tôi.
- Ba à? Càng tốt! Thế là tương ngộ rồi! - D Artagnan nói - Cũng đúng số bên này.
- Bây giờ ông là ai? - Tên người Anh hỏi.
- Ta là D Artagnan, quý tộc Gascogne, phục vụ trong cận vệ đội, đại đội ông des Essarts. Còn ông?
- Ta là Huân tước De Winter, nam tước vùng Sépfin(1).
- Vậy thì thưa ông Nam tước, ta sẽ xin hầu ông - D Artagnan nói - cho dù ông có những cái tên rất khó nhớ.
Rồi chàng thúc ngựa phi nước đại, theo con đường phóng về Paris.
D Artagnan xuống ngựa ngay tại nhà Athos như chàng vẫn thường làm trong những trường hợp tương tự.
Chàng thấy Athos đang nằm trên một chiếc ghế dài để đợi quân trang tự nó phải tìtn đến mình như anh đã nói.
Chàng liền kể hết cho anh chuyện vừa xảy ra chỉ trừ có bức thư của ông De Wardes.
Athos rất vui thích khi biết mình sắp được đánh nhau với một tên người Anh. Có thể nói đó là giấc mơ của anh.
Họ cho người hầu đi tìm ngay Porthos và Aramis và cho mấy người này biết rõ tình hình.
Porthos rút gươm ra khỏi vỏ và đâm chém bức tường, thỉnh thoảng lại lùi lại, nhún nhảy như một vũ công, Aramis vẫn luôn làm thơ, chui vào thư phòng của Athos và yêu cầu đừng quấy rầy mình nữa cho đến lúc phải tuốt gươm khỏi vỏ.
Athos ra hiệu cho Grimaud bê một chai rượu ra. Còn D Artagnan thì đang tự mình vạch một kế hoạch nhỏ sau đây sẽ thực hiện, một kế hoạch hứa hẹn một chuyến phiêu lưu thú vị biểu hiện bằng những nụ cười chốc chốc lại hiện lên làm rạng rỡ bộ mặt mơ màng.

Chú thích:(1) Trong hàng ngũ quý tộc Vương quốc Anh chỉ có thể có Bá tước, Công tước vùng nào đó, còn Nam tước là tước hiệu gắn với tên người, tên chức vụ, không có Nam tước vùng.

Alexandre Dumas - Ba người lính ngự lâm - Chương 29

Alexandre Dumas

Ba người lính ngự lâm

Chương 29


Người băn khoăn lo lắng nhất trong số bốn người bạn chắc chắn phải là D Artagnan, cho dù với tư cách cận vệ quân(1) chàng dễ trang bị hơn là mấy tướng ngự lâm quân, đều là các lãnh chúa nhưng chàng thực tập sinh cận vệ Gátxcông vốn tính lo xa đến mức keo cú đồng thời lại huênh hoang chẳng thua gì Porthos. Cùng với mối bận tâm xuất phát từ tính phù phiếm, lúc này còn có cả một sự lo âu ít vị kỷ hơn. Chàng đã hết sức đi thăm dò tin tức bà Bonacieux mà vẫn biệt tăm hơi. Ông De Treville đã nói chuyện này với Hoàng hậu. Hoàng hậu cũng không biết bà vợ trẻ ông hàng xén ở đâu và hứa sẽ cho tìm.
Nhưng lời hứa thật mơ hồ và chẳng làm D Artagnan yên tâm mấy.
Athos không ra khỏi phòng mình. Chàng kiên quyết chả tội gì phải đi đâu để trang bị cho mình. Chàng nói với bạn bè:
- Chúng ta còn mười lăm ngày nữa phải không? Nếu trong mười lăm ngày ấy, tôi không tìm thấy gì hoặc đúng hơn là không có gì đến tìm tôi, vì tôi vốn rất ngoan đạo, không thể dùng súng ngắn tự bắn vỡ đầu mình, tôi sẽ tìm cách gây sự khéo với bốn tay cận vệ của Đức Giáo chủ hoặc tám thằng người Anh, đánh nhau cho đến khi có một đứa giết chết tôi, chúng đông thế, điều đó chắc không tránh khỏi. Lúc đó người ta sẽ nói tôi chết vì nhà Vua, thành ra tôi vẫn phục vụ mà không cần trang bị gì.
Porthos, hai tay sau lưng, tiếp tục đi đi lại lại và gật gù nói:
- Ta sẽ làm theo cái cách của ta.
Aramis thì lo lắng, đầu tóc rối bù và chẳng nói gì.
Qua những chi tiết thảm hại ấy, có thể thấy được một cảnh não nề đang ngự trị cái cộng đồng này.
Những người hầu về phía mình, giống như những con chiến mã của Hypôlít(2) cũng chia sẻ nỗi buồn phiền của chủ.
Mousqueton làm lương khô. Bazin vẫn luôn luôn mộ đạo không rời khỏi các nhà thờ. Planchet nhìn ruồi bay và Grimaud mà sự quẫn bách nói chung không thể quyết định gã phá vỡ sự yên tĩnh mà chủ gã đã thiết lập, chỉ thốt lên những tiếng thở dài khiến đá cũng phải mềm ra.
Ba người bạn, vì Athos đã thề không rời một bước chân để trang bị cho mình, một buổi sớm đã ra khỏi nhà và trở về rất muộn. Họ lang thang trên các đường phố, nhìn từng viên đá lát đường xem liệu ai đó khi đi qua có đánh rơi túi tiền nào không.
Đi đến đâu họ cũng chăm chăm chú chú như thể đang bám theo dấu chân ai vậy. Khi gặp nhau, họ nhìn nhau thất vọng như muốn nói: đằng ấy có vớ được cái gì không?
Tuy nhiên, vì Porthos đã tìm cho mình một ý tưởng riêng và vì chàng kiên trì theo đuổi nó, chàng là người đầu tiên bắt tay hành động. Một hôm D Artagnan bắt gặp chàng đi về phía nhà thờ Thánh Lơ, theo bản năng liền bám theo chàng. Chàng bước vào đất Thánh sau khi đã vuốt ria mép vểnh lên và vuốt mượt râu cằm, điều đó luôn luôn báo hiệu chàng đang có những ý đồ chinh phục rõ rệt nhất. Vì D Artagnan đã có ý phòng ngừa khỏi bị lộ mặt, nên Porthos tin rằng không ai thấy mình, D Artagnan vào theo sau. Porthos đến tựa lưng vào một chiếc cột. D Artagnan vẫn không để bị bắt gặp, tựa lưng vào chiếc cột khác.
Đúng lúc đang có một bài thuyết giáo, khiến trong nhà thờ có rất đông người. Porthos lợi dụng tình thế ấy để liếc nhìn phụ nữ. Nhờ sự chăm sóc chu đáo của Mousqueton, mã ngoài của chàng cách xa sự cùng quẫn bên trong. Mũ dạ tuy có hơi sởn thật, lông mũ có đôi chút bạc màu, các đường thêu đã hơi mở, những tua ren đã rạn, nhưng ở nơi tranh tối tranh sáng, mọi thứ lặt vặt ấy đều tiêu biến, và Porthos vẫn cứ là chàng Porthos bảnh bao.
D Artagnan nhận thấy trên chiếc ghế dài kê gần chỗ Porthos và chàng tựa cột nhất, một thứ sắc đẹp đã chín nẫu hơi ngả vàng, hơi khô héo, nhưng giương giương kiêu kỳ dưới những lớp khăn mũ đen. Đôi mắt của Porthos lén lút nhìn xuống người đàn bà đó, rồi chập chờn liệng dần ra xa tới gian giữa của giáo đường.
Về phần mình, vị phu nhân đó thỉnh thoảng lại đỏ mặt lên, liếc nhanh như ánh chớp về phía chàng Porthos chấp chới, và ngay tức khắc đôi mắt của Porthos càng lượn lờ giận dữ. Rõ ràng đây là một trò ma mãnh cốt chọc tức phát điên bà trùm đồ đen, bởi vì bà ta cắn môi đến bật máu, gãi sống mũi và cứ loay hoay một cách tuyệt vọng trên chỗ ngồi của mình.
Thấy thế, Porthos lại vê ngược ria mép, và vuốt râu cằm và bắt đầu ra hiệu với một người đàn bà đẹp ngồi cạnh dàn đồng ca, không những là một phu nhân kiều diễm, mà còn chắc chắn là một bậc mệnh phụ, bởi vì bà ta có một thằng bé da đen bưng theo một chiếc nệm gối để mình quỳ và một thị nữ cầm một chiếc túi thêu gia huy đựng sách lễ để đọc kinh.
Bà đội khăn mũ đen theo dõi cái nhìn đảo đi đảo lại của Porthos và nhận thấy con mắt chàng dừng lại ở vị phu nhân có nệm gối nhung, có thị đồng, thị nữ theo hầu.
Trong khi ấy, Porthos chơi riết hơn, thôi thì đủ thứ, mắt chấp cha chấp chới, ngón tay để lên môi, những nụ cười nửa miệng sát nhân và thực tế đang sát hại người đẹp bị khinh miệt.
Vì vậy dưới danh nghĩa mêâ culpâ(3) bà ta đấm ngực thốt lên một tiếng "hừm" to đến nỗi mọi người kể cả người đàn bà có nệm gối đỏ đều quay lại phía bà ta Porthos vẫn trơ trơ. Tuy chàng thừa hiểu. Nhưng chàng làm như điếc.
Người đàn bà có nệm gối đỏ vì quá đẹp nên đã tác động mạnh đến bà đội khăn mũ đen khi thấy ở con người kia một mối cừu địch thực sự đáng sợ, cũng tác động mạnh đến Porthos khi thấy nàng xinh đẹp hơn bà đội khăn mũ đen rất nhiều, còn tác động mạnh đến cả D Artagnan khi nhận ra đó là người đàn bà Măng, ở Cale và ở Đuvrơ mà kẻ ngược đãi chàng, có sẹo mặt, đã chào bằng cái tên Milady.
D Artagnan không rời mắt khỏi người đàn bà có đệm gối đỏ, vẫn tiếp tục theo dõi trò ma của Porthos khiến chàng rất thích thú. Chàng đoán chắc người đàn bà đội khăn mũ đen chính là bà biện lý ở phố Lũ Gấu, mà nhất định như thế vì nhà thờ Thánh Lơ không xa phố ấy lắm.
Bằng suy luận D Artagnan đoán Porthos đang tìm cách trả thù cho lần thất bại ở Săngtily, lúc đó bà biện lý đã tỏ ra quá cứng rắn về túi tiền.
Nhưng giữa tất cả đám người đó, D Artagnan cũng nhận thấy không có một gương mặt nào tương xứng với những lối bướm hoa của Porthos, chỉ là những quái tượng và ảo tưởng mà thôi. Nhưng đối với một tình yêu đích thực, một sự ghen tuông thật sự, liệu có hiện thực nào khác với những ảo tưởng và những quái tượng không?
Bài thuyết giáo kết thúc. Bà biện lý tiến lại chậu nước phép.
Porthos đã đến trước và đáng lẽ chỉ nhúng một ngón tay, lại nhúng cả bàn tay. Bà biện lý mỉm cười tưởng rằng vì bà mà Porthos trở nên quá bối rối nhưng bà ta đã nhận ra ngay mình đã nhầm một cách tai hại. Khi bà ta chỉ còn cách chàng không quá ba bước chân, chàng đã quay mặt nhìn không chớp vào người đàn bà có nệm gối đỏ cũng đã đứng lên và tiến gần lại, theo sau là thằng bé da đen và cô gái hầu phòng.
Khi người đàn bà này đến sát Porthos, chàng liền rút bàn tay ướt đẫm nước thánh ra. Người đẹp mộ đạo chấm bàn tay thon thả của mình vào bàn tay to lớn của Porthos, rồi vừa mỉm cười vừa làm dấu thánh và ra khỏi nhà thờ.
- Thật là quá quắt đối với bà biện lý. Bà ta không nghi ngờ gì nữa là người đàn bà kia và Porthos đã tống tình nhau. Nếu bà ta là một mệnh phụ thì bà sẽ ngất mất. Nhưng vì bà chỉ là một bà biện lý(4), bà đành nén giận nói với chàng lính ngự lâm:
- Này, ông Porthos, ông không biếu tôi nước thành à?
Nghe giọng nói ấy, Porthos làm như giật nảy mình, như thể một người vừa thức dậy sau một giấc ngủ trăm năm.
- B…à... bà đấy à! - Chàng kêu lên - Đúng là bà đấy ư? - Ông chồng bà, ông Cơkơna yêu quý ấy có được khỏe không? Ông ấy vẫn cứ keo cú như xưa đấy chứ? Không biết mắt tôi để đâu mà suốt hai tiếng đồng hồ thuyết pháp tôi lại không nhìn thấy bà đấy nhỉ?
- Thưa ông, tôi ở cách ông hai bước chân thôi - người đàn bà trả lời - nhưng ông không thấy được tôi vì ông chỉ để mắt ông đến người đàn bà đẹp mà ông vừa cho nước thánh ấy.
Porthos giả vờ bối rối:
- À, ra bà cũng để ý…
- Có mà mù mới không trông thấy.
- Vâng - Porthos hờ hững nói - đó là một nữ công tước trong số các bà bạn tôi mà tôi phải vất vả lắm mới gặp được vì thói ghen tuông của ông chồng, và bà ấy đã báo trước cho tôi hôm nay sẽ tới đây, chỉ cốt để gặp tôi trong cái nhà thờ nhỏ bé ở cái khu phố khuất vắng này.
- Ông Porthos này - bà biện lý nói - liệu ông có lòng tốt cho tôi được khoác tay trong dăm phút không? Tôi sẵn sàng trò chuyện với ông đây.
- Sao lại thế được thưa bà - Porthos vừa nói vừa nháy mắt với chính mình như một tay chơi bạc đang cười vì nước bạc bịp mình sắp đánh.
Trong khi đó, D Artagnan đang bám theo Milady. Chàng liếc nhìn về phía Porthos và thấy cái nháy mắt đắc thắng ấy.
"Ề, ề, - chàng vừa tự nhủ vừa lý giải theo hướng của thứ đạo lý dễ dãi lạ lùng của cái thời đại bướm ong ấy - cứ kiểu này thì sẽ có một tên có thể trang bị đúng thời hạn được đây".
Porthos đành chịu cho cánh tay của bà biện lý níu xuống như một con thuyền chịu theo tay lái, đi đến nhà tu kín Thánh Magloa, một lối đi ít người qua lại, hai đầu khép lại bằng hai cửa quay, ở đây, ban ngày chỉ thấy ăn mày đang ăn hoặc trẻ con đang chơi đùa.
Bà biện lý thấy yên tâm vì không có bất cứ người xa lạ nào ngoài đám dân thông thường của địa phương có thể trông thấy hoặc nghe thấy, liền kêu lên:
- Ôi, ông Porthos! Có vẻ như ông là một tay đại thắng rồi!
- Tôi ư, thưa bà! - Porthos vừa nói vừa vênh váo - Mà tại sao lại thế được?
- Thì chốc chốc lại ra hiệu, và nước thánh ấy? Nhưng ít nhất cũng phải là một Quận chúa, cái bà với thằng bé da đen và cô gái hầu phòng ấy!
- Bà nhầm rồi, lạy Chúa, không- Porthos trả lời - chỉ là một nữ Công tước thôi mà.
- Thế còn tên hầu chạy theo đợi ngoài cửa và cỗ xe với tên đánh xe mặc quần áo xà ích ngồi đợi trên ghế đánh xe?
Porthos chẳng hề nhìn thấy tên hầu chạy theo xe cũng chẳng nhìn thấy cỗ xe, nhưng cứ nhìn người đàn bà đang ghen tuông này, chàng biết bà Coquenard đã nhìn thấy hết.
Porthos đâm tiếc ngay lúc đầu đã không tâng người đàn bà có đệm gối đỏ lên hàng Quận chúa.
- À, thế là ông thành con cưng của các người đẹp rồi, ông Porthos! - Bà biện lý thở dài nói tiếp.
- Nhưng - Porthos trả lời - Bà cũng hiểu với cái tướng mạo tạo hóa phú cho tôi, tôi thường hay gặp vận may mà.
- Lạy Chúa! Sao cái giống đàn ông họ chóng quên đến thế! - Bà biện lý vừa than vừa ngước mắt nhìn lên trời.
- Tôi lại thấy, còn không chóng bằng đàn bà đâu - Porthos trả lời - bởi thưa bà, rất cuộc, tôi có thể nói chính tôi từng là nạn nhân của bà, khi bị tử thương, bị bọn thầy phẫu thuật bỏ rơi, tôi, hậu duệ của một dòng họ danh tiếng, kẻ đã từng tin cậy vào tình bạn của bà, thế mà tôi suýt chết trước hết vì thương tích, tiếp đến vì đói, trong một quán trọ tồi tàn ở Săngtily, đã thế lại còn chẳng thèm trả lời những bức thư cháy bỏng tôi viết cho bà.
- Nhưng ông Porthos ơi - Bà biện lý thầm thì và cảm thấy nếu phán xét theo cách xử sự của các bậc mệnh phụ thời bấy giờ thì bà quả đã sai.
- Tôi, người đã vì bà mà hy sinh cả nữ Nam tước…
- Tôi biết quá chứ.
- Rồi nữ Bá tước…
- Ông Porthos, đừng trách cứ tôi thêm nữa.
- Và nữ Công tước…
- Ông Porthos, hãy đại lượng nào?
- Bà nói đúng, thưa bà, và tôi sẽ không nói nốt ra đâu.
- Nhưng vì ông chồng tôi ông ấy không muốn nghe nói đến chuyện vay, mượn…
- Bà Coquenard - Porthos nói - bà có nhớ bức thư đầu tiên bà đã viết cho tôi mà tôi vẫn ghi khắc trong ký ức không?
Bà biện lý thốt ra một tiếng kêu rên. Bà nói:
- Nhưng cũng vì món tiền ông hỏi mượn hơi quá lớn.
- Bà Coquenard ạ, tôi đã thích hỏi bà hơn. Chứ tôi chỉ việc biên thư cho bà nữ Công tước… Tôi không muốn nói tên bà ấy ra, bởi tôi không biết làm tổn hại đến danh giá một phụ nữ nghĩa là thế nào. Nhưng điều tôi biết là tôi chỉ việc viết cho bà ấy mấy chữ là bà ấy gửi ngay cho tôi một nghìn năm trăm đồng.
Bà biện lý rơi một giọt nước mắt. Bà nói:
- Ông Porthos ạ, tôi xin thề là ông đã trừng phạt tôi nặng lắm rồi và nếu như mai sau ông gặp phải cảnh ngộ tương tự, ông cứ việc nói cho tôi biết.
- Thôi đi, thưa bà? - Porthos làm ra vẻ bực bội nói - Thôi đừng nói đến chuyện tiền bạc nữa, tôi xin bà, nhục nhã lắm.
- Như thế là ông không yêu tôi nữa rồi! - Bà biện lý chậm rãi và buồn rầu nói.
Porthos im lặng một cách oai vệ.
- Ông trả lời tôi như thế ư? Than ôi! Tôi hiểu rồi.
- Bà hãy nghĩ đến việc bà đã xúc phạm tôi, nó vẫn còn ở đây này - Porthos vừa nói vừa để tay lên trái tim mình và vừa ấn thật mạnh.
- Tôi sẽ sửa chữa. Thôi nào, ông Porthos thân mến của tôi!
- Vả lại, nào tôi đòi hỏi bà gì nào. - Porthos đai lại bằng một động tác đầy vẻ chất phác - chỉ vậy thôi chứ có gì khác đâu. Dẫu sao, tôi đâu phải một kẻ cố cùng. Tôi biết bà không giầu, bà Coquenard ạ, và tôi biết là chồng bà phải hút máu(5) của dân khiếu kiện đáng thương để bòn rút lấy mấy đồng êqui quèn. Ôi, nếu như bà là nữ Bá tước, Hầu tước hay Công tước thì lại là chuyện khác và sẽ không thể tha thứ được.
Bà biện lý tự ái, nói:
- Ông phải biết rằng, ông Porthos ạ, cái két sắt của tôi, cứ cho là két sắt của bà biện lý đi, có khi còn chứa nhiều hơn két sắt của mọi mụ đàn bà õng ẹo hư hỏng của ông đấy.
- Thế là bà lại xúc phạm gấp đôi tôi rồi - Porthos vừa nói vừa gỡ cánh tay của bà biện lý dưới cánh tay mình ra - Bởi vì bà giầu, bà Coquenard, thế thì việc bà chối từ tôi là không thể tha thứ nữa.
- Khi tôi nói giầu - bà biện lý nói chữa lại vì thấy chót đã đi quá xa - không nên hiểu theo nghĩa đen của từ ấy - Tôi rõ ràng là không giàu. Tôi chỉ dễ chịu thôi.
- Thôi nào bà - Porthos nói - ta không nói về việc ấy nữa, tôi xin bà đấy. Bà không hiểu tôi rồi. Mọi tình cảm giữa chúng ta đã tắt!
- Ông là đồ bội bạc!
- A, tôi khuyên bà cứ việc oán trách đi! - Porthos nói.
- Vậy thì ông đi luôn với cái bà nữ Công tước xinh đẹp của ông đi! Tôi không giữ ông nữa đâu.
- Này, tôi tin bà ta chưa đáng bị giày vò thế đâu!
- Thế thì, thưa ông Porthos, một lần nữa, cũng là lần cuối cùng, ông có còn yêu tôi nữa không?
- Than ôi! Thưa bà - Porthos nói bằng một giọng bi ai nhất mà chàng có thể tạo được - khi chúng tôi sắp bước vào chiến dịch, trong một chiến dịch mà những linh cảm của tôi bảo tôi rằng tôi sẽ bị giết.
- Ôi, xin ông đừng nói những chuyện như thế - Bà biện lý òa lên nức nở.
- Một điều gì đó nói với tôi - Porthos tiếp tục mỗi lúc càng bi ai hơn.
- Thà ông cứ nói ông có một mối tình mới còn hơn.
- Không đâu. Tôi thành thực nói với bà đấy. Không có một đối tượng nào khiến tôi động lòng và tôi vẫn còn cảm thấy ở đây, trong đáy lòng tôi, một cái gì đó nói cho bà. Nhưng chỉ trong mười lăm ngày nữa như bà đã biết hoặc có khi bà không biết cũng nên, cái chiến dịch tàn khốc vẫn cứ mở ra! Tôi sắp phải lo lắng ghê gớm về món quân trang của tôi. Rồi, tôi sắp phải khởi hành về gia đình tôi ở mãi cuối vùng Brơtanhơ để thực hiện món tiền cần thiết cho việc tòng chinh.
Porthos nhận thấy trận chiến cuối cùng giữa tình yêu và tình keo kiệt đang diễn ra.
- Và vì - chàng tiếp tục - nữ công tước mà bà vừa thấy ở nhà thờ, có những đất đai cạnh đất đai của nhà tôi, chúng tôi sẽ cùng khởi hành. Những cuộc hành trình, bà biết đấy, khi ta đi có đôi, hình như nó cũng đỡ dài hơn.
- Vậy ông không có ai là bạn bè ở Paris ư, ông Porthos? - bà biện lý hỏi.
- Tôi cứ tưởng là mình cũng có - Porthos vừa nói vừa làm ra vẻ sầu não - nhưng tôi thấy rõ tôi đã lầm.
- Ông có đấy, ông Porthos, ông có đấy - Bà biện lý lắp lại trong cơn bốc đồng khiến chính bà ta cũng phải ngạc nhiên - Ngày mai ông cứ đến nhà - Ông sẽ là con trai của cô tôi do đó là anh họ tôi. Ông từ Noayông đến Picađy. Ông có nhiều việc kiện tụng ở Paris mà lại không có biện lý. Ông nhớ tất cả những điều đó chứ?
- Rất nhớ, thưa bà.
- Ông đến vào giờ ăn trưa.
- Rất tốt.
- Và phải vững trước chồng tôi, mặc dầu đã bẩy sáu tuổi, nhưng vẫn tinh quái lắm.
- Bẩy mươi sáu! Chết tiệt! Tuổi vàng đấy!
- Ông Porthos, ông muốn nói tuổi cao chứ gì. Cho nên, con người tội nghiệp thân yêu đó bất cứ lúc nào cũng có thể để tôi góa bụa - bà biện lý vừa ném cái nhìn đầy ý nghĩa về phía Porthos vừa nói tiếp - May sao hôn ước của chúng tôi là chuyên hết của cải cho người còn sống.
- Chuyển tất cả? - Porthos hỏi.
- Tất cả?
- Bà đúng là loại đàn bà biết lo xa, tôi thấy ngay mà, bà Coquenard thân mến của tôi ạ - Porthos vừa nói vừa trìu mến siết tay bà biện lý.
- Thế là chúng ta lại giải hòa với nhau xong rồi, có phải không ông Porthos? - bà biện lý vừa nói vừa õng ẹo.
- Đến trọn đời - Porthos đáp lại cũng với dáng điệu ấy.
- Vậy tạm biệt, kẻ phản bội của tôi.
- Tạm biệt, nàng dễ quên của tôi.
- Mai nhé, thiên thần của em.
Mai nhé, ngọn lừa của đời anh.
Chú thích:
(1) Ở đây tác gíả có sự nhầm lẫn, vì ngay cuối chương trước, tác giả đã cho ông De Treville báo cho D Artagnan biết đã được nhà Vua gia ân cho xung vào ngự lâm quân chứ không còn là cận vệ quân nữa.(2) Hypôlít - Nữ chúa của các nữ chiến binh dân Amazôn vùng Tiểu Á rất thiện chiến (Thần thoại Hy Lạp)(3) Meâ Culpâ: tôi có tội(4) procurcuse ngoài nghĩa bà biện lý còn có nghĩa trùm nhà thổ. mụ tú bà(5) Ở đây có sự chơi chữ sangsurer hút máu, đồng âm với censurer kiểm duyệt, khiển trách. Ý nói đến việc làm không trong sáng của ông biện lý, còn gọi là viện trưởng kiểm sát và của ngành tư pháp nói chung!

Alexandre Dumas - Ba người lính ngự lâm - Chương 28

Alexandre Dumas

Ba người lính ngự lâm

Chương 28


D Artagnan vẫn choáng váng về câu chuyện tâm tình của Athos, tuy nhiên còn khá nhiều điều hình như vẫn còn mập mờ trong sự bộc lộ nửa vời đó. Trước hết là chuyện do một người hoàn toàn say túy lúy kể cho một người nửa tỉnh nửa say, và mặc dầu hơi men của vài ba chai rượu Buốcgônhơ làm mịt mù cả đầu óc D Artagnan, sáng hôm sau khi thức dậy, vẫn thấy mỗi lời Athos nói còn in trong ký ức như thể ra khỏi miệng bạn đến đâu, là in vào tâm trí chàng đến đấy. Tất cả nỗi nghi ngờ ấy chỉ khiến chàng càng khao khát mạnh hơn đi đến một sự tường tận, và chàng sang phòng bạn với ý đồ quyết tâm nối lại cuộc trò chuyện đêm qua, nhưng chàng thấy Athos thần trí hoàn toàn ổn định, nghĩa là con người tinh tế và bí hiểm nhất.
Hơn nữa, người lính ngự lâm đó sau khi bắt tay chàng, đã đón trước được ý nghĩ của chàng.
- Hôm qua tôi say quá, D Artagnan thân mến ạ - Athos nói - Sáng nay tôi vẫn còn cảm thấy cơn say ở đầu lưỡi tôi, nó vẫn cứ bì bì, và mạch tôi vẫn còn đập mạnh lắm. Tôi cược rằng tôi đã nói muôn vàn điều bậy bạ lăng nhăng.
Vừa nói, Athos vừa nhìn bạn mình chằm chằm khiến D Artagnan bối rối.
- Nhưng không phải thế đâu - D Artagnan cãi lại - và nếu như tôi nhớ không nhầm thì anh chẳng nói gì ngoài những chuyện thường tình.
- Ồ, cậu làm tôi ngạc nhiên đấy, tôi nghĩ tôi đã kể cho cậu nghe một chuyện thương tâm nhất.
Và anh nhìn chàng trai trẻ như muốn đọc thấu tâm can của bạn mình. D Artagnan nói:
- Thật tình, hình như tôi còn say hơn cả anh, vì tôi chẳng nhớ được điều gì hết.
Athos chẳng thèm để ý đến câu nói ấy, và anh tiếp tục:
- Cậu không phải là không nhận thấy, bạn thân mến ạ, mỗi người có một kiểu say, buồn hay vui. Tôi say kiểu buồn, mà một khi tôi đã say, tôi có cái thói kể ra mọi chuyện tang thương mà bà vú nuôi ngớ ngẩn của tôi đã khắc vào trí não tôi. Đó là tật xấu của tôi, tật xấu cơ bản, tôi đồng ý như vậy. Nhưng ngoài tật đó, tôi là tay uống cừ.
Athos nói ra điều đó, quá tự nhiên, khiến cho niềm tin của D Artagnan bị lung lay. Chàng cố nắm bắt lại sự thật và nói:
- Ồ, thì ra là như thế, quả thật tôi cũng nhớ ra là như thế, vả lại nó giống như ta nhớ lại một giấc mơ ấy mà, tôi nhớ chúng ta đã nói về những người bị treo cổ.
- À cậu biết đấy - Athos vừa nói vừa tái người đi tuy nhiên vẫn cố cười - Tôi cam đoan những người bị treo cổ là cơn ác mộng của tôi, của chính tôi.
- Phải phải, - D Artagnan nói tiếp - tôi nhớ ra rồi - Phải, chuyện đề cập đến… khoan đã nào… đề cập đến một phụ nữ…
- À, đấy là một chuyện hay nhất của tôi - Athos trả lời, mặt xanh đi - về một người đàn bà tóc hoe vàng và khi tôi kể chuyện đó là lúc tôi đang say muốn chết.
- Phải, chính thế - D Artagnan nói - chuyện về một phụ nữ tóc vàng hoe, cao lớn và đẹp, có đôi mắt xanh.
- Phải, và bị treo cổ.
- Bởi người chồng là một vị lãnh chúa quen biết anh - D Artagnan vừa tiếp tục nói vừa nhìn thẳng vào mặt Athos.
- Ồ, cậu thấy đấy, trong khi người ta không còn biết mình đang nói gì nữa, thì người ta có thể làm tổn hại đến phẩm giá một con người lắm chứ - Athos vừa nói vừa nhún vai như thể mình đang thương hại chính bản thân mình - Nhất định là tôi không muốn say nữa, D Artagnan? Đó là một thói quen quá xấu.
D Artagnan im lặng không nói gì.
Rồi Athos chuyển phắt sang đề tài khác, và nói:
- Nhân tiện, xin cảm ơn cậu về con ngựa mà cậu đã mang đến cho tôi.
- Có hợp với anh không? - D Artagnan hỏi.
- Hợp, nhưng đó không phải là một con ngựa dai sức.
- Anh nhầm rồi. Tôi đã cưỡi nó chạy mười dặm trong một tiếng rưỡi đồng hồ mà cứ như thể mới chạy vòng quanh quảng trường Saint-Sulpice ấy.
- Thế à? Thế thì cậu làm cho tôi tiếc mất rồi.
- Tiếc cái gì?
- Tiếc vì tôi bán nó mất rồi.
- Thế là thế nào?
- Là thế này. Sáng nay tôi thức dậy lúc sáu giờ, cậu vẫn ngủ như chết, tôi chả biết làm gì, tôi vẫn còn ngẩn ngơ về việc quá chén của chúng ta hôm qua, tôi bèn đi xuống đại sảnh và thấy một trong hai người Anh đang mặc cả mua một con ngựa với người lái ngựa, ngựa của hắn bị chết hôm qua vì bị trúng gió.
- Tôi lại gần hắn và vì thấy hắn đang trả một trăm đồng vàng con tuấn mã màu tía. Tôi bảo hắn: "Này nhà quý tộc, tôi cũng có một con muốn bán".
- Và còn rất đẹp nữa - hắn nói - tôi thấy hôm qua rồi, người hầu của bạn ông đang dắt nó.
- Ông thấy nó đáng một trăm chứ?
- Vâng và ông muốn bán cho tôi với giá ấy à?
- Không, tôi chơi bạc nó với ông.
- Ông chơi bạc với tôi?
- Đúng.
- Chơi loại gì?
- Xúc xắc. Nói sao làm vậy, và tôi mất con ngựa, à nhưng mà, - Athos tiếp tục tôi đã gỡ lại được bộ đồ trang sức trên mình ngựa.
D Artagnan tỏ ra rất bực.
- Trái ý cậu lắm à? - Athos nói.
- Chứ sao, tôi thú thật với anh - D Artagnan nói tiếp - Con ngựa đó là để chúng ta nhận ra nhau khi xung trận, đó là một tín vật, một kỷ niệm. Athos, anh sai rồi.
- Ôi, bạn thân mến, cậu hãy ở vào địa vị tôi - người lính ngự lâm nói tiếp - tôi buồn muốn chết, thêm nữa, tôi thề danh dự đấy, tôi không thích ngựa Anh. Mà nếu chỉ để nhận ra nhau thôi thì cái yên là đủ, nó có thể nhận ra lắm chứ. Còn con ngựa, ta sẽ tìm một cớ gì đó để biện giải cho việc nó biến mất. Mà đếch gì! Nó chết, ngựa nào mà chả chết, cứ coi như con của tôi bị chết vì xổ mũi hoặc lở loét.
D Artagnan vẫn cau có.
- Điều đó làm tôi áy náy lắm - Athos tiếp tục - vì cậu quan tâm đến những con vật ấy đến thế, vì tôi đã kể hết chuyện đâu.
- Thế anh còn làm những gì nữa?
- Sau khi đã mất con ngựa của tôi, chín điểm thua mười, cậu thấy ức không, tôi bèn nảy ra ý nghĩ chơi con của cậu.
- Ờ, nhưng tôi mong mới chỉ dừng lại ở ý nghĩ của anh thôi.
- Không đâu, tôi thực hiện ngay lúc ấy.
- À! Hay thật đấy! - D Artagnan kêu lên lo lắng.
- Tôi chơi và thua.
- Thua con ngựa của tôi?
- Con của cậu, bẩy chọi tám, thua có một điểm… Cậu biết câu ngạn ngữ …
- Athos, tôi xin thề là anh không tỉnh rồi!
- Bạn thân mến, đấy là hôm qua, khi tôi kể cho cậu nghe những chuyện vớ vẩn, tôi phải nói như vậy, chứ không phải sáng nay. Tôi thua hết cả ngựa lẫn yên cương.
- Thế thì ghê tởm quá?
- Khoan đã nào cậu đã nghe hết đâu. Tôi sẽ là một tay chơi sành sỏi nếu tôi không cay cú, nhưng tôi lại cay cú, giống như khi tôi uống ấy, tôi cũng cay cú…
- Nhưng làm sao anh còn chơi nổi nữa, anh có còn cái gì đâu?
- Có chứ? Có quá đi chứ, anh bạn ạ! Chúng ta vẫn còn cái nhẫn kim cương lấp lánh trên ngón tay cậu mà tôi đã thấy hôm qua.
- Cái nhẫn kim cương này ư? - D Artagnan kêu lên và đưa tay giữ chặt lấy cái nhẫn.
- Và vì tôi là kẻ sành chơi, và cũng đã từng có mấy chiếc trong tài sản riêng, tôi ước lượng nó phải có giá một nghìn đồng vàng.
D Artagnan chết điếng người vì kinh hãi nghiêm nghị nói:
- Tôi hy vọng anh chưa động gì đến chiếc nhẫn kim cương của tôi đấy chứ?
- Trái lại đấy, bạn ơi. Chiếc nhẫn kim cương là tài sản duy nhất của chúng ta. Với nó, tôi có thể gỡ lại được yên cương, ngựa, và thêm nữa, tiền lộ phí.
- Athos, anh làm tôi run lên đây này? - D Artagnan kêu lên.
- Vậy là tôi nói về cái nhẫn kim cương với con bạc của tôi. Hắn cũng đã để ý thấy cái nhẫn. Mà quỷ ạ, cậu đeo ở ngón tay cậu một ngôi sao trên trời lại muốn người ta không chú ý ư? Không thể được?
- Nói nốt đi, ông bạn quý, nói nốt đi! - D Artagnan nói- Bởi vì thề danh dự đấy! Với sự bình tĩnh của anh, anh làm tôi chết mất đấy?
- Thế là chúng tôi chia cái nhẫn kim cương ra làm mười phần, mỗi phần một trăm đồng vàng.
- À anh định đùa và thử tôi đấy à? - D Artagnan nói, mà cơn giận bắt đầu túm lấy tóc chàng giống như thần Minéc túm lấy Akin trong Iliát(1).
- Không, tôi không đùa đâu, mẹ kiếp! Tôi chỉ muốn biết cậu sẽ ra sao trong tình cảnh ấy thôi? Đã mười lăm ngày tôi không được giáp mặt ai và cứ ở đó đàm đạo với những chai rượu cho đến trì độn người đi.
- Đó không phải là lý do đem nhẫn kim cương của tôi ra chơi bạc, thế đó! - D Artagnan vừa trả lời vừa nắm chặt tay lại, thần kinh co giật bắn người lên.
- Vậy cậu, nghe nốt đã. Mười phần, mỗi phần một trăm đồng vàng, mỗi phần chơi làm mười ván, không chơi gấp thiếc để gỡ, mười ba ván tôi thua tất. Mười ba ván, con số 13 luôn luôn xúi quẩy với tôi, đó là ngày mười ba tháng bẩy mà…
- Mẹ kiếp! - D Artagnan la lên và đứng lên khỏi bàn, chuyện lúc này khiến chàng quên cả chuyện đêm qua.
- Kiên nhẫn nào - Athos nói - tôi có một kế hoạch. Tên người Anh là một tay độc đáo, sáng nay tôi thấy hắn trò chuyện Grimaud, và Grimaud báo với tôi là hắn đề nghị với Grimaud phục vụ hắn. Tôi đánh luôn với hắn bằng Grimaud và cũng chia Grimaud ra làm mười phần.
- Trời, lại còn thế nữa? - D Artagnan không giữ nổi phá lên cười.
- Chính bản thân gã Grimaud, cậu hiểu không nào? Và với mười phần của Grimaud mà tất cả cũng chưa đáng một đucatông vàng tôi gỡ lại cái nhẫn kim cương. Giờ thì cậu thử nói xem lòng kiên nhẫn có phải là một đức hạnh không?
- Thật tình, tôi chỉ thấy quái gở! - D Artagnan đã khuây khỏa, vừa nói vừa ôm bụng cười.
- Cậu hiểu chứ, thấy mình đang vận đỏ, tôi lại chơi tiếp ngay bằng nhẫn kim cương.
- Ôi quỷ sứ! - D Artagnan nói và lại sa sầm mặt lại.
- Tôi đã gỡ lại được yên cương của cậu, rồi ngựa của cậu rồi yên cương của tôi, ngựa của tôi, rồi lại thua. Tóm lại tôi lấy lại được yên cương của cậu, rồi của tôi. Đó, bây giờ chúng ta chỉ có thế. Đó là một ván chơi tuyệt đẹp, vì vậy tôi dừng ở đó thôi.
D Artagnan thở phào như thể người ta vừa cất bỏ cả cái lữ quán này đè lên ngực chàng.
- Rốt cuộc, tôi vẫn còn nhẫn kim cương chứ? - D Artagnan rụt rè hỏi.
- Nguyên si! Bạn thân mến ạ. Thêm nữa là những bộ yên cương của con chiến mã của cậu và của tôi.
- Nhưng chúng ta sẽ làm gì với những yên cương mà không có ngựa?
- Tôi đã có ý kiến về chúng đây.
- Athos, anh làm tôi run đấy.
- Nghe đây, D Artagnan, đã lâu rồi cậu không chơi có phải không?
- Nhưng tôi không thèm chơi chút nào cả.
- Đừng có vội tuyên bố như thế - Từ lâu rồi, cậu không chơi, cậu chắc chắn sẽ gặp may cho mà xem.
- Thế thì sao?
- Thế thì tên người Anh và bạn hắn vẫn còn ở đây. Tôi nhận thấy hắn tiếc mấy bộ yên cương lắm. Còn cậu, cậu có vẻ tiếc con ngựa của cậu. Ở địa vị cậu tôi sẽ chơi bộ yên cương lấy con ngựa.
- Nhưng hắn sẽ không muốn một bộ thôi đâu.
- Thì chơi cả hai, mẹ kiếp! Tôi không phải là người ích kỷ như cậu đâu.
- Anh chơi thật chứ? - D Artagnan ngần ngừ nói, sự tin tưởng của Athos đã bắt đầu làm chàng xiêu lòng.
- Chơi một ván thôi, thề danh dự đấy.
- Nhưng chính vì đã mất mấy con ngựa, tôi lại càng muốn giữ lấy mấy bộ yên cương.
- Thế thì chơi bằng nhẫn kim cương vậy.
- Ồ, cái đó lại là chuyện khác, không bao giờ, không bao giờ cả.
- Mẹ kiếp! - Athos nói - Tôi muốn đề nghị cậu chơi bằng thằng Planchet lắm, nhưng cách đó đã làm rồi, thằng người Anh có lẽ không muốn nữa đâu.
- Này Athos thân mến - D Artagnan nói - tôi thích tốt nhất là đừng có liều nữa làm gì.
- Đáng tiếc đấy! - Athos lạnh lùng nói - Thằng người Anh đó có rất nhiều tiền vàng. Trời ơi! Cứ thử một cái. Một ván thôi mà!
- Và nếu tôi thua?
- Cậu sẽ thắng.
- Nhưng nếu tôi thua?
- À thì… Coi như cậu cho nó mấy bộ yên cương.
- Thì làm một ván - D Artagnan nói.
Athos liền đi tìm gã người Anh và thấy hắn ở chuồng ngựa đang ngắm nghía mấy bộ yên cương bằng con mắt thèm khát.
- Thật đúng dịp. Athos đặt điều kiện: Hai bộ yên ăn một con ngựa hay một trăm đồng vàng, tùy ý chọn. Tên người Anh tính toán rất nhanh: hai bộ yên cương đáng giá ba trăm đồng vàng, hắn bằng lòng ngay.
D Artagnan vừa run vừa ném mấy con xúc xắc và đạt ba điểm. Chàng tái người đi khiến Athos đâm sợ lây, đành vui vẻ nói:
- Một ván xúi quẩy rồi, ông bạn. Ông đến có lũ ngựa yên cương đầy đủ mất thôi.
Tên người Anh đắc chí, chẳng bỏ công xóc quân xúc xắc, ném luôn ra bàn không thèm nhìn, tin chắc phần thắng thuộc về mình. D Artagnan quay mặt đi để giấu vẻ bực tức.
- Khoan, khoan, khoan đã. - Athos nói bằng một giọng điềm tĩnh - một ván xúc xắc cực kỳ lạ lùng, và tôi chỉ thấy bốn lần trong đời đấy: hai con một!
Tên người Anh nhìn vô cùng kinh ngạc, D Artagnan cũng nhìn và rất đỗi vui mừng.
- Phải, - Athos tiếp tục - chỉ bốn lần thôi: một lần ở nhà ông De Crêquy, một lần ở nhà tôi, ở vùng thôn quê, tại lâu đài… khi tôi còn chiếc lâu đài, lần thứ ba ở nhà ông De Treville, làm cả lũ chúng ta phải ngạc nhiên, cuối cùng lần thứ tư ở một quán rượu, lần này giã đúng vào tôi, khiến tôi thua một trăm đồng louis vàng và một bữa nhậu tối.
- Thế là ông gỡ lại được con ngựa của mình rồi - gã người Anh nói.
- Hẳn rồi - D Artagnan nói.
- Không chơi gỡ ư?
- Chúng ta đã giao hẹn là không chơi gỡ. Ông nhớ chứ?
- Đúng vậy, con ngựa sẽ trả lại cho người hầu của ông.
- Khoan chút đã - Athos nói, - xin phép cho tôi nói với bạn tôi một câu.
- Ông cứ tự nhiên.
Athos kéo D Artagnan ra một chỗ. D Artagnan nói:
- Thế nào! Anh muốn gì nữa ở tôi, hỡi tên cò mồi, anh muốn tôi chơi nữa, có phải không?
- Không, tôi muốn cậu suy nghĩ thôi.
- Về cái gì?
- Cậu định lấy lại con ngựa có phải không?
- Hẳn rồi.
- Cậu nhầm rồi, tôi lấy một trăm đồng vàng cơ.
- Thôi đi, tôi lấy con ngựa.
- Và cậu nhầm rồi, tôi xin nhắc lại như vậy. Làm gì được với một con ngựa cho hai người chúng ta, tôi không thể cưỡi lên mông ngựa và chúng ta có vẻ như hai con trai nhà Âymông (2) bị chết. Cậu cũng không thể đang tâm cưỡi tuấn mã để tôi đi bộ bên cạnh được. Tôi, không cân nhắc lôi thôi gì cả, tôi lấy một trăm đồng vàng, chúng ta đang cần tiền để trở về Paris.
- Athos, tôi vẫn muốn lấy ngựa.
- Ôi cậu nhầm rồi, bạn ơi. Một con ngựa đi vòng kiềng, một con ngựa vấp chân, trẹo gối, một con ngựa ăn chung máng với con ngựa sổ mũi, đó một con ngựa như thế chỉ có mất toi một trăm đồng vàng. Rồi lại còn chủ thì phải nuôi ngựa, đằng này trái lại, một trăm đồng vàng nó nuôi chủ.
- Nhưng chúng ta trở về thế nào?
- Trên lũ ngựa của bọn người hầu của chúng ta. Mẹ kiếp!
- Người ta nhìn hình dạng chúng ta sẽ thấy ngay chúng ta là những người gặp phải hoàn cảnh không may.
- Cái bộ dạng đẹp đẽ của chúng ta trên lưng hai con nghẽo, còn Porthos và Aramis thì tưng tưng trên hai con ngựa chứ!
- Aramis, Porthos ư! - Athos la lên và bật cười.
- Cười gì? - D Artagnan hỏi, chàng chẳng hiểu tại sao bạn mình lại hô hố cười.
- Không có gì đâu, ta tiếp tục thôi - Athos nói.
- Như thế, ý kiến của anh?…
- Là lấy một trăm đồng vàng, D Artagnan ạ, với một trăm đồng vàng, chúng ta sẽ phè phỡn cho đến cuối tháng, chúng ta đã trải qua bao nhiêu gian lao vất vả, cậu thấy không, nghỉ ngơi một chút sẽ tốt chứ.
- Tôi nghỉ ngơi ư? Ồ, không, Athos, đến Paris một cái là tôi lập tức đi tìm người đàn bà tội nghiệp ấy ngay.
- Được rồi! Thế cậu tưởng con ngựa của cậu sẽ có ích cho cậu trong việc đó hơn là những đồng vàng quý giá ư? Cậu hãy lấy một trăm đồng vàng ấy đi! bạn ạ, hãy lấy một trăm đồng vàng.
D Artagnan chỉ cần một lý do để đầu hàng. Lý lẽ này có vẻ xuất sắc Vả lại chống chọi mãi, chàng sợ mình có vẻ ích kỷ trong con mắt Athos. Chàng gật đầu, và chọn một trăm đồng vàng gã người Anh đếm ngay tại chỗ.
Rồi họ chỉ còn nghĩ tới việc ra đi. Hòa ước đã ký ngoài con ngựa già của Athos phải trả thêm sáu đồng vàng cho chủ quán.
D Artagnan và Athos chiếm lấy ngựa của Planchet và Grimaud, hai người hầu đội hai bộ yên lên đầu và đi bộ theo.
Dù cưỡi ngựa tồi, đôi bạn vẫn vượt trước hai người hầu và đến Vỡ Tim. Từ xa họ đã gặp Aramis đang âu sầu tựa cửa sổ, và giống như chị Anne tôi, nhìn bụi rắc phía chân trời(3).
Đôi bạn hô vang lên:
- Ê này! Aramis, cậu đang làm cái quái gì thế?
- À, cậu đấy ư, D Artagnan, và anh nữa, Athos - chàng trai trẻ nói - Tôi đang nghĩ của cải trên đời sao nó ra đi nhanh đến thế và con ngựa Anh của tôi cũng đi xa và vừa biến mất trong lốc bụi, đối với tôi là một hình ảnh sinh động về sự mong manh của mọi vật trên đời. Cuộc đời cũng vậy, có thể quy lại bằng ba từ "Erat, est, fuit"(4).
- Thật ra thế nghĩa là thế nào? - D Artagnan hỏi và bắt đầu nghi ngờ sự thật.
- Nghĩa là tôi vừa bị lừa một quả sáu mươi đồng louis vàng lấy một con ngựa mà chỉ nhìn cách nó di chuyển thôi cũng đoán ra nó phi nước kiệu năm dặm một giờ.
D Artagnan và Athos phá lên cười.
- D Artagnan thân mến - Aramis nói - đừng giận tôi quá nhé, tôi xin cậu đấy, vì nhu cầu thì bất chấp luật lệ. Vả lại, trước hết tôi đã bị trừng phạt rồi, vì cái tên lái ngựa bất lương ấy đã xoáy mất của tôi ít nhất năm mươi louis vàng. Mà các vị cũng là những người điều hành giỏi đấy chứ, các vị đến đây bằng ngựa của bọn hầu và bắt bọn hầu dắt tay những con ngựa quý của các vị, nhẹ nhàng, từng quãng một.
Cũng vào lúc ấy một xe chở hàng từ phía Amiêng đã hiện ra được một lúc bây giờ đã tới nơi và dừng lại, rồi Planchet và Grimaud ra khỏi xe với bộ yên cương đội trên đầu.
Chiếc xe chở hàng đi không về Paris, và hai chàng hầu ta đã điều đình cho đi nhờ xe và sẽ đãi người đánh xe giải khát suốt dọc đường.
- Thế là thế nào? - Aramis thấy cung cảnh vừa diễn ra liền hỏi - Sao lại chỉ có mỗi yên thôi?
- Bây giờ cậu hiểu rồi chứ? - Athos nói.
- Các bạn tôi ơi, thế thì đúng như tôi rồi. Tôi cũng giữ lại yên cương, theo linh tính thôi. Ê này, Bazin! Mang bộ yên cương mới của ta xếp cạnh những bộ của mấy ông đây.
- Và anh làm thế nào với mấy vị mục sư của anh? - D Artagnan hỏi.
- À, hôm sau tôi mời họ ăn trưa - Aramis nói - Ở đây có loại vàng hảo hạng, đại khái như thế. Tôi cho họ uống say khướt cò lả. Thế là lão mục sư liền chống lại tôi rời bỏ đồng phục ngự lâm, còn ông giáo sĩ dòng Tên thì lại yêu cầu tôi xin giúp ông ta vào ngự lâm quân.
- Súp món luận văn đi! - D Artagnan hô lên - Súp luận văn đi? Tôi yêu cầu bãi bỏ luận văn đấy.
- Từ khi ấy - Aramis tiếp tục - tôi sống thoải mái. Tôi bắt đầu làm một thi khúc một vần. Cũng khó khăn đấy. Nhưng giá trị của mọi thứ là trong sự khó khăn. Tính cách bài thơ có đôi chút khuynh nữ. Tôi sẽ đọc khổ đầu cho các bạn nghe, có tất cả bốn trăm câu và chỉ kéo dài một phút.
D Artagnan ghét thi ca hầu như ngang với tiếng Latinh liền bảo:
- Thật tình, anh Aramis thân mến ạ, hãy thêm giá trị của sự ngắn gọn vào cái giá trị của sự khó khăn, anh sẽ tin chắc ít nhất thơ anh sẽ có hai giá trị.
- Rồi các bạn sẽ thấy. - Aramis tiếp tục - Nó toát ra những niềm đắm say chân thực - Ơ kìa, các bạn, chúng ta quay về đến Paris rồi ư? Hoan hô, mong mãi đây. Thếlà chúng ta lại sắp gặp Porthos rồi. Thế mới tuyệt. Các bạn không thể tưởng được tôi nhớ cái tay đại ngô nghê này thế nào đâu. Hắn có nhẽ không bán ngựa như cánh ta đâu cho dù giá một vương quốc. Tôi những muốn thấy hắn đang ngồi trên yên ngựa. Tôi tin chắc sẽ giống như Đại đế Môgôn(5).
Họ dừng lại một tiếng đồng hồ cho ngựa nghỉ. Aramis thanh toán tiền cho Bazin lên ngồi xe hàng cùng với các bạn rồi lại tiếp tục lên đường để gặp lại Porthos.
Mọi người thấy chàng đang đứng, đỡ xanh xao hơn D Artagnan gặp lần trước, rồi thấy ngồi vào bàn ăn dù dọn cho một mình chàng, cũng có thể hình dung ra một bữa trưa cho cả bốn người, một bữa trưa gồm thịt nấu nướng rất ngon, rượu nho kén chọn và quả cây tuyệt ngon.
- À, mẹ kiếp! - Chàng vừa đứng lên vừa nói - Các bác đến thật tuyệt, tôi mới chỉ đụng đến món xúp, ăn trưa với tôi thôi.
- Ồ, ồ, - D Artagnan nhận xét - Không phải Mousqueton dùng thòng lọng quăng những chai rượu này chứ - Lại còn thịt bọc mỡ nướng và thăn bò nữa…
- Tôi đang ăn trả bữa mà - Porthos nói - tôi ăn trả bữa.
- Không gì làm suy yếu bằng cái món trẹo xương chết tiệt đó, anh đã bị trẹo xương bao giờ chưa, Athos?
- Chưa bao giờ. Chỉ có tôi nhớ trong cuộc hỗn chiến ở phố Fréjus ngày nào, tôi bị một nhát gươm, cũng phải mất mười lăm mười tám ngày gì đó, khiến tôi bị ốm yếu hệt như cậu ấy.
- Nhưng bữa trưa này không phải dọn cho một mình anh đấy chứ Porthos? - Aramis nói.
- Không - Porthos đáp - Tôi đợi mấy nhà quý tộc quanh đây nhưng họ vừa đến bảo là không đến được, các bác thay họ vậy, vẫn thế cả thôi mà. Ê này, Mousqueton? Ghế đâu, và mang gấp đôi rượu ra đây.
- Các cậu có biết chúng ta ăn gì ở đây không? Chừng mươi phút sau, Athos hỏi mọi người.
- Mẹ kiếp! - D Artagnan trả lời - tôi ăn thịt bê nấu chua với tủy và rau cácđông.
- Và tôi thăn cừu non - Porthos nói.
- Còn tôi lườn gà - Aramis nói.
- Các vị nhầm tất - Athos nghiêm nghị nói - các vị ăn ngựa đấy.
- Ngựa thì ngựa! - D Artagnan nói.
- Thịt ngựa ư! - Aramis cau mặt lợm giọng nói.
Porthos ngồi im không trả lời.
- Phải, ăn ngựa? Có phải không, Porthos chúng ta đang ăn ngựa? Có khi ăn cả yên cương cũng nên!
- Không đâu, các bác ạ, yên cương thì tôi giữ lại - Porthos nói.
- Thì ra chúng ta kẻ tám lạng, người nửa cân cả. - Aramis nói - Cứ như ta bàn trước với nhau ấy.
- Biết làm thế nào - Porthos nói - con ngựa ấy làm cho mấy vị khách của tôi phải xấu hổ, mà tôi thì lại không muốn làm họ xấu hổ!
- Rồi lại thêm cái bà nữ Công tước của anh vẫn cứ ở vùng suối nóng, có phải không? - D Artagnan nói tiếp.
- Vẫn thế - Porthos trả lời - Mà thật tình cái lão trấn thủ tỉnh này, một trong những vị quý tộc tôi mời ăn trưa hôm nay ấy cứ thèm con ngựa quá cơ, cho nên tôi đã cho lão ta.
- Cho ư? - D Artagnan kêu lên.
- Ồ, trời ơi, phải cho lão! Đấy là cách nói thôi! - Porthos nói - bởi giá con ngựa phải đến một trăm năm mươi louis vàng và cái tên bủn xỉn ấy chỉ muốn trả tôi có tám mươi.
- Không yên chứ? - Aramis nói.
- Ừ, không yên.
- Các vị nhận thấy chưa - Athos nói - Hóa ra Porthos lại bán được giá hơn tất cả chúng ta.
- Thế là tất cả phá lên cười hô hố làm cho Porthos cứ ngây người ra. Nhưng mọi người giải thích cho chàng ngay lý do mọi người cười, khiến chàng ầm ĩ chia sẻ ngay theo thói quen của mình.
- Thành thử mọi người chúng ta đều sẵn vốn cả? - D Artagnan hỏi.
- Mình thì không - Athos nói - Mình thấy món rượu nho Tây Ban Nha của Aramis ngon quá, thế là mình cho chất sáu mươi chai lên chiếc xe hàng của bọn người hầu, thành ra nhẵn túi rồi.
- Còn tôi - Aramis nói - các bạn thử tưởng tượng xem tôi đã cúng đến đồng xu cuối cùng cho nhà thờ Môngđiđiơ và cho các giáo sĩ dòng Tên ở Amiêng, ngoài ra tôi có những cam kết buộc phải giữ những lễ misa cho tôi và cho các vị mà tôi tin chắc nhờ thế, chúng ta mạnh khỏe may mắn hơn.
- Và tôi, - Porthos nói - cái chỗ trẹo gối của tôi, các anh tưởng không tốn kém hay sao? Không kể thương tích của Mousqueton mà tôi buộc phải mời thầy giải phẫu đến mỗi người hai lần, lão ta bắt tôi phải trả tiền thăm khám gấp đôi viện cớ cái tên Mousqueton ngu ngốc ấy đã để cho một viên đạn bắn trúng vào chỗ mà người ta thường chỉ cho thầy thuốc xem thôi. Cho nên tôi đã phải căn dặn nó kỹ càng lần sau đừng để bị thương ở chỗ ấy nữa.
Athos cười nháy với D Artagnan và Aramis rồi nói:
- Chà, chà, tôi thấy cậu xử sự với gã hầu tội nghiệp quá hào phóng đấy. Đúng là một ông chủ tốt.
- Tóm lại - Porthos tiếp tục - trả hết mọi khoản chi tiêu, chắc chắn tôi chỉ còn ba mươi êqui vàng.
- Và tôi chừng mươi đồng - Aramis nói.
- Xem nào, - Athos nói - hình như chúng ta đều là những vua Crésus cả(6) Một trăm đồng pítxtôn vàng của cậu còn bao nhiêu hở D Artagnan?
- Một trăm của tôi ư? Trước hết, tôi đã cho anh năm chục rồi.
- Cậu tin vậy ư?
- Mẹ kiếp!
- À đúng, tôi nhớ ra rồi.
- Rồi tôi trả sáu đồng cho chủ quán.
- Cái tên chủ quán chó má ấy ư! Tại sao cậu lại cho nó sáu đồng.
- Thì chính anh bảo tôi cho nó còn gì.
- Đúng là tôi quá tốt với nó. Tóm lại, còn bao nhiêu?
- Còn hai nhăm đồng - D Artagnan nói.
- Và tôi Athos vừa nói vừa móc túi ra mấy xu lẻ - tôi…
- Anh, sạch sành sanh.
- Thú thực, ít quá, chẳng bõ góp vào của chung.
- Bây giờ, ta tính thử xem còn bao nhiêu tất cả nào?
- Porthos?
- Ba mươi đồng êqui.
- Aramis?
- Mười đồng pítxtôn.
- Còn cậu D Artagnan?
- Hai mươi lăm.
- Tất cả là bao nhiêu? - Athos nói.
- Bốn trăm bẩy nhăm đồng livrơ! - D Artagnan, tính toán giỏi như Acsimét nói.
- Đến Paris, có lẽ chúng ta còn chừng bốn trăm, lại còn yên cương nữa - Porthos nói.
- Nhưng những con ngựa kỵ binh của chúng ta thì sao đây? - Aramis nói.
- Thế này nhé! bốn con ngựa của bọn người hầu, ta sẽ lấy hai con cho chủ bằng cách gắp thăm. Số bốn trăm livrơ ta sẽ lấy một nửa mua một con cho một cậu chưa có ngựa, rồi còn bao nhiêu ta sẽ vét túi đưa cho D Artagnan, cậu ấy mát tay, để chơi luôn ngay ở sòng bạc ta gặp. Thế đó.
- Thôi ăn đã, - Porthos nói - Nguội hết cả rồi.
Bốn người bạn từ lúc đó tạm yên tâm về những ngày sắp tới, liền ăn uống thỏa thuê, chỗ còn thừa dành cho các vị Mousqueton, Bazin, Planchet và Grimaud.
Đến Paris, D Artagnan thấy một bức thư của ông De Treville báo cho chàng biết, thể theo lời cầu xin của ông, nhà Vua vừa mới gia ân cho chàng được xung vào ngự lâm quân.
Vì đó là tất cả những gì D Artagnan mong ước ở trên đời, đã đành chưa kể sự khao khát được gặp lại bà Bonacieux, chàng sướng run người chạy đến nhà các bạn vừa mới chia tay nhau được nửa tiếng đồng hồ, và chàng thấy họ đều rất buồn và rất ưu tư. Họ họp bàn ở nhà Athos, điều đó luôn luôn chỉ rõ những tình thế nghiêm trọng nào đó đang xảy ra.
- Ông De Treville cũng vừa báo cho họ biết quyết định dứt khoát của Hoàng thượng là mở chiến dịch vào ngày một tháng năm. Họ phải lập tức chuẩn bị quân trang.
Bốn triết gia sửng sốt nhìn nhau, ông De Treville không đùa về mặt quân kỳ.
- Các anh thử tính xem những bộ quân trang ấy mất bao nhiêu tiền? - D Artagnan nói.
- Ồ, chẳng có gì để nói cả - Aramis trả lời - chúng ta vừa mới tính toán chi ly chặt chẽ rồi, và mỗi người chúng ta phải có một nghìn năm trăm đồng livrơ.
- Bốn lần mươi lăm là sáu mươi, tức sáu nghìn livrơ - Athos nói.
- Tôi thấy hình như chỉ với một nghìn livrơ mỗi một người…
D Artagnan nói - Đúng là tôi không nói theo kiểu chặt chẽ mà theo kiểu biện lý(7)
Cái tiếng biện lý làm thức tỉnh Porthos. Chàng nói:
- Thôi được, tôi sực nghĩ ra một điều.
- Hẳn là một điều hay ho rồi, còn như tôi, thậm chí một nửa điều cũng không xong - Athos lạnh lùng nói - còn như D Artagnan thưa các vị, hạnh phúc từ nay được là dân ngự lâm như chúng ta làm cho hắn phát điên. Một nghìn livrơ ư! Tôi tuyên bố riêng tôi thôi, tôi cần phải hai nghìn.
Aramis liền nói tiếp:
- Bốn lần hai thành tám. Vậy cần phải tám nghìn livrơ cho chúng ta để mua sắm quân trang. Đúng là chúng ta mới chỉ có yên cương.
- Thêm nữa - Athos vừa nói vừa chờ D Artagnan đi cám ơn ông De Treville, rồi đóng cửa lại - Thêm nữa, cái nhẫn kim cương tuyệt đẹp lấp lánh ở ngón tay anh bạn chúng ta. Mẹ kiếp D Artagnan là người bạn quá tốt không thể để anh em trong cơn túng quẫn khi hắn đeo ở ngón giữa một món tiền có thể chuộc được cả một ông vua.
Chú thích:
(1) Nữ thần Minéc, còn gọi là nữ thần Palátx, nữ thần Atêna, con gái của thần Jớtx, nữa thần của sự thông thái và nghệ thuật Trong Iliat, cơn giận khủng khiếp của Akin là do Atêna hay Minéc giật tóc.(2) Bốn con trai nhà Âymông trong tiểu thuyết võ hiệp thế kỷ 12 gồm 14.489 cảu thơ, là Rơnô, Ghitxca, Ala và Rítsa, cả bốn cùng cưỡi trên một con ngựa thần kỳ Baya chống lại Hoàng đế Charlesma.(3) Trong truyện cổ tích con yêu Râu xanh của Perault. Anne là chị của người vợ cuối cùng của con yêu Râu xanh. Con yêu báo giờ tận số của ngườỉ vợ này vì phạm tội hở chuyện. Anne đứng trên đỉnh tháp. Cô em gọi "Chị Anne ơi, chị không thấy ai đến ư?". "Chị chẳng thấy ai mà chỉ thấy mặt trời đang rắc bụi sáng và cỏ mọc xanh rờn!".(4) Tiếng Latinh có nghĩa: sẽ sinh ra, tồn tại, biến mất. Ở đây Dumas có lẽ định dùng từ Erit (sẽ tồn tại) chứ không phải Erat (đã từng tồn tại, tức biến mất rồi).(5) Đại đế Môgôn (1483-1530) triều đại do Baberơ, chắt của Taméclan dòng dõi Thành Cát Tư Hãn sáng lập bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và xứ Hindu.(6) Crésus: quốc vương cuối cùng của Lyđi vùng Tiểu Á, nổi tiếng về những tài nguyên là cát có lẫn hạt vàng ở Pắc tôn. Sau bị Xyarút đánh bại và bị bắt làm tù binh. kinh đô bị đốt (thế kỷ 6, trước công nguyên)(7) Procureur - biện lý, cũng gọi là kiểm sát trưởng - nghĩa ở đây là kiểm sát nhưng ở đây còn có sự chơi chữ nữa là Procurcuse - bà biện lý, cũng có nghĩa là tú bà, trùm đĩ (trên đã chú thích)